Đôi lúc bạn không cần phải có những chiến lược tiết kiệm thật thông minh mới có thể trở thành triệu phú.
Trở nên giàu có là mục tiêu dài hơi mà ai trong chúng ta cũng đều hướng đến.
Dù rằng cách an toàn nhất để tích lũy được nhiều của cải là hạn chế chi tiêu, bắt đầu đầu tư, và phát triển những thói quen dẫn đến giàu có, nhưng vẫn có một vài cách “ít chính thống” hơn giúp bạn kiếm được hàng triệu đô nhanh chóng.
Hãy lấy ví dụ những người biết cách tận dụng ưu thế của truyền thông xã hội và tạo lập nên kênh YouTube của chính mình, như PewDiePie, hay tạo nên một meme nào đó gây bão mạng, như nhà sáng lập “I can has a cheezburger”. Một số người khác nảy ra những ý tưởng khá sáng tạo khi bắt đầu tập tành buôn bán; như một cô giáo nhà trẻ bán bài giảng trực tuyến, một chị gái bán đồ secondhand trên một ứng dụng di động, và một cậu sinh viên đại học bán…các điểm ảnh trên website của mình để đặt quảng cáo trực tuyến.
Có rất nhiều cách giúp bạn tăng số tiền có trong tài khoản ngân hàng của mình, chỉ cần bạn có chút sáng tạo là được. Tất nhiên, cuộc sống mỗi người mỗi khác, những chiến lược dưới đây có thể không phù hợp với bạn, nhưng ít ra chúng cũng sẽ là tài liệu quý giá để bạn tham khảo trên con đường làm giàu.
Scott DeLong viết blog cá nhân, kiếm được thu nhập khủng trong vòng 8 tháng.
Vào giữa năm 2013, Scott DeLong mở một blog cá nhân tên ViralNova và đặt vài quảng cáo Google lên từng trang. Tám tháng sau, anh đã có thu nhập 6 con số mỗi tháng và hàng triệu USD mỗi năm mà không cần bất kỳ nhân viên toàn thời gian nào, cũng chẳng cần bất kỳ món tiền quyên góp nào từ các nhà đầu tư bên ngoài.
ViralNova tập trung vào các mẩu chuyện hay về xã hội với những tiêu đề hấp dẫn mà nếu đăng lên Facebook sẽ lập tức thu hút được vô vàn lượt Like, và chỉ trong một năm, website của DeLong đã có khoảng 100 triệu người đọc mỗi tháng.
Năm 2015, DeLong bán website cho công ty truyền thông số Zealot Networks để đổi lấy tiền mặt và cổ phiếu, tổng giá trị hợp đồng có thể lên đến 100 triệu USD nếu giá trị của Zealot tăng lên.
Nguyễn Hà Đông tạo ra một ứng dụng gây sốt trong 3 ngày.
Anh chàng này chỉ mất đúng 3 ngày để tạo ra tựa game phổ biến nhất năm 2014: Flappy Bird.
Nguyễn Hà Đông nói rằng anh đã kiếm được đến 50.000 USD/ngày nhờ vào ứng dụng miễn phí nói trên, bằng cách chạy một banner quảng cáo nhỏ phía trên giao diện game; có nghĩa là anh chỉ cần đưa game lên App Store trong 20 ngày là đã đủ để thu về 1 triệu USD.
Và đúng là anh chàng này làm vậy thật. Sau khoảng một tháng, Nguyễn Hà Đông rút “Flappy Bird” khỏi App Store khi tựa game vẫn đang gây sốt, bởi theo anh, tựa game của mình “quá gây nghiện”.
Amanda Hocking trở thành tác giả sách bán chạy bằng cách xuất bản sách lên Amazon Kindle mà chẳng cần bất kỳ nhà xuất bản nào hỗ trợ.
Amanda Hocking là nhà văn “indie” có sách bán chạy nhất trên cửa hàng Kindle vài năm trước. “Indie” có nghĩa cô không hề có nhà xuất bản nào hỗ trợ và nắm giữ được 70% doanh thu từ sách bán ra. Cô đã bán được khoảng 100.000 bản sách mỗi tháng với giá từ 1 – 3 USD/cuốn, thu về vài triệu USD.
Hocking không phải là người duy nhất kiếm tiền triệu từ xuất bản sách lên Kindle. Bob Mayer và Jen Talty cùng nhau thu về khoản tiền 7 con số chỉ trong 2 năm, và họ đã nêu chi tiết quá trình này trong cuốn sách “How We Made Our First Million on Kindle”.
PewDiePie mở kênh YouTube và thu hút một lượng subs khổng lồ.
Kiếm tiền trên YouTube không phải là việc dễ dàng – những ngôi sao với nửa triệu subs đôi lúc cũng chật vật kiếm sống – nhưng nếu bạn nắm được những nguyên tắc, tạo dựng được những nội dung cuốn hút, và có một lượng người theo dõi đông đảo, một sự nghiệp tươi sáng đang chờ bạn.
Một trong số những YouTuber thành công như vậy là Felix “PewDiePie” Kjellberg, được cho là đã kiếm được 12 triệu USD trong năm 2015. Anh trở thành YouTuber thành công nhất mọi thời đại – chủ nhân của kênh YouTube với nhiều subs nhất. Nhưng con đường đến vinh quang của anh tất nhiên không thể thiếu những vụ việc gây tranh cãi.
PewDiePie mới đây tung ra một chiến dịch nhằm giúp bản thân giữ vững danh hiệu YouTuber với nhiều subs nhất, vốn đã bị công ty Ấn Độ là T-Series chuyên đăng tải các video ca nhạc Bollywood “cuỗm” mất trong một thời gian ngắn vào tháng 3/2019.
Có nhiều YouTuber khác cũng kiếm được 1 triệu USD hoặc hơn nhờ doanh thu quảng cáo mỗi năm, bao gồm một cậu nhóc 9 tuổi chuyên review đồ chơi với hơn 1 triệu subs và 1 tỷ lượt xem.
Peter Dering lập nên một công ty chuyên sản xuất phụ kiện máy ảnh và gây quỹ thông qua Kickstarter.
Kickstarter và Indiegogo là các website gây quỹ cộng đồng, cho phép mọi người đưa lên những ý tưởng về các dự án hoặc các phát minh của họ. Nếu cộng đồng thích ý tưởng đó, họ có thể quyên góp tiền để giúp ý tưởng thành hiện thực.
Nhiều người đã gây quỹ được hơn 1 triệu USD cho các ý tưởng startup trên cả hai website. Peter Dering là một trong những người như vậy khi thành lập được công ty phụ kiện Peak Design nhờ sự trợ giúp từ Kickstarter. Kể từ khi ra mắt năm 2011, công ty đã thu về hơn 15 triệu USD thông qua 6 dự án Kickstarter, biến họ thành công ty đang hoạt động được gây quỹ nhiều nhất thế giới.
Tất nhiên, tiền thu về không phải để tiêu – bạn phải dùng nó để tạo ra các sản phẩm có thật và bán ra thị trường.
Cô giáo nhà trẻ Deanna Jump bán bài giảng trực tuyến.
Vào năm 2008, cô giáo nhà trẻ Deanna Jump bắt đầu bán các bài giảng của mình cho các giáo viên khác thông qua website TeachersPayTeachers. Cô đã đưa lên 99 bài giảng với giá 8 USD/bài.
Đến năm 2012, cô đã thành triệu phú, nhờ vào thu nhập mỗi tháng vượt mức 100.000 USD – và con số này vẫn chưa bao gồm lương dạy toàn thời gian của cô ở nhà trẻ, khoảng 55.000 USD.
Jake Zien kiếm tiền triệu nhờ một cái ổ cắm bẻ gập được.
Anh chàng trong hình là Jake Zien, người sáng lập ra website Quirky vào năm 2010 với ý tưởng về chiếc ổ cắm bẻ gập được tên Pivot Power. Sản phẩm này mang về hơn 2 triệu USD cho Zien và các thành viên cộng đồng đã đóng góp ý tưởng cho anh.
Đến tháng 9/2015, Quirky hết sạch tiền và nộp đơn phá sản. Quả là một câu chuyện buồn.
Alex Tew lập ra một trang chủ chưa từng ai nghĩ đến trước đó.
Vào năm 21 tuổi, Alex Tew lập ra The Million Dollar Homepage, một trang chủ chưa từng có trước đó. Anh này bán 1 triệu điểm ảnh trên trang chủ với giá 1 USD/điểm ảnh để đặt quảng cáo, với mục đích kiếm tiền nộp học phí đại học.
Million Dollar Homepage bán sạch số điểm ảnh chỉ trong 4 tháng sau khi thành lập vào năm 2005. Sau khi website này nhận được sự chú ý của truyền thông, và mọi không gian chứa quảng cáo đã được bán sạch, anh này…bỏ đại học và bắt đầu sự nghiệp doanh nhân.
Kể từ đó, anh đã đồng sáng lập nên startup kỳ lân tỷ đô và ứng dụng thiền mang tên Calm.
Alicia Shaffer mở một shop trên ứng dụng Etsy, bán vớ, khăn quàng, và khăn đeo đầu.
Mở một shop trên Etsy là chuyện hết sức bình thường, nhưng kiếm được 70.000 USD/tháng nhờ shop đó thì lại là một trường hợp hiếm có. Đó chính là số tiền mà Alicia Shaffer đã thu về từ cửa hàng Etsy của cô – Three Bird Nest.
Three Bird Nest hiện đã rời Etsy để chuyển sang website riêng chuyên về thời trang, nhưng ở thời đỉnh cao, shop này đã bán được hơn 3.000 chiếc vớ, khăn quàng, khăn đeo đầu, và nhiều thứ khác. Đây còn là cửa hàng handmade bán chạy thứ nhì trên Etsy từ trước đến nay.
Eric Nakagawa tạo ra meme mèo gây sốt.
Một meme gây sốt cũng có thể dẫn đến một loạt các dự án liên quan – và một nguồn thu nhập khủng cho chủ nhân của nó.
Eric Nakagawa đã tạo ra một meme như vậy, mang tên “I can has a cheezburger”: một chú mèo đang mở mồm, thừa cân, đòi ăn cheeseburger. Anh này và Kari Unebasami đã đồng sáng lập ra website tiếu lâm Icanhascheezburger.com, đăng tải những hình ảnh tiếp nối câu chuyện của chú mèo đòi cheeseburger. Năm 2017, họ bán website này với giá 2 triệu USD cho Ben Huh. Chỉ 3 năm sau đó, website đạt hơn 35 triệu lượt ghé thăm mỗi tháng.
Kể từ đó, Ben đã tạo nên nhiều website liên quan và thậm chí còn đạt được hợp đồng phát hành sách, trở thành New York Times Best Seller; chỉ riêng doanh số cuốn sách này đã giúp công ty kiếm được nửa triệu USD.
Suzane Canon bán quần áo đã qua sử dụng trực tuyến.
Suzane Canon bắt đầu bán quần áo cũ của mình trên Poshmark, một ứng dụng nơi mọi người có thể mua và bán quần áo từ các cửa hàng hoặc của chính họ. Ban đầu chỉ nhằm kiếm thêm chút đỉnh từ quần áo thừa, công việc buôn bán này đã trở thành nghề chính của Suzane với thương hiệu của riêng cô: Infinity Raine. Cô có một đối tác kinh doanh là Tiffany Kroeger.
Canon là người bán hàng đầu tiên trên Poshmark kiếm được 1 triệu USD. Đến nay, cô đã thu về 400.000 USD nhờ Infinity Raine và khoảng 700.000 USD từ quần áo cũ của cô và các món hàng cô mua được trong các đợt sale.
Tham khảo: Business Insider
*Theo Trí Thức Trẻ / soha.vn