Trong khi các hãng điện thoại Trung Quốc đang chạy đua về số ‘chấm’ của camera, khả năng chụp ảnh của iPhone 11 và Pixel 4 đã chứng minh, nhiếp ảnh di động sử dụng AI và thuật toán mới là tương lai của smartphone
Khi các nhà sản xuất smartphone dần đạt đến giới hạn trong cuộc chạy đua về phần cứng hay thiết kế, cuộc chiến smartphone chỉ còn lại một mặt trận duy nhất đáng kể: Camera. Một loạt các mẫu smartphone đầu bảng như iPhone 11 hay Pixel 4 đều được trang bị các tính năng chụp hình cực kỳ tiên tiến, hứa hẹn nâng tầm nhiếp ảnh trên smartphone lên một tầm cao mới.
Đáng chú ý, việc tập trung vào khả năng chụp ảnh không chỉ diễn ra với các mẫu smartphone đầu bảng. Ngay cả với các mẫu smartphone tầm trung hay thậm chí là phổ thông, camera cũng đang là tính năng được quảng cáo nhiều nhất trong các chiến dịch marketing.
Tuy nhiên, cách tiếp cận của hai phân khúc này đang có sự khác biệt. Với các mẫu điện thoại tầm trung và phổ thông, các nhà sản xuất smartphone đang nhồi nhét thật nhiều camera, cùng với đó các cảm biến có ‘số chấm’ cực cao, từ 48MP, 64MP cho tới 108 MP.
Trang AndroidAuthority nhận định, một số hãng điện thoại đang quay lại với quan niệm từng phổ biến cách đây vài chục năm, khi cho rằng số ‘chấm’ càng cao, khả năng chụp của máy càng tốt. Điều này đặc biệt đúng với các hãng điện thoại Trung Quốc như Xiaomi trong thời gian gần đây.
Tuy nhiên, trong suy nghĩ của các hãng sản xuất smartphone hàng đầu như Apple, Google hay Samsung, cảm biến camera chỉ dừng lại ở 12 ‘chấm’ đã là quá đủ. Kết quả thử nghiệm thực tế đã cho thấy, nhận định trên là hoàn toàn chính xác.
Khi những con số hoàn toàn nói dối
Theo AndroidAuthority, độ phân giải camera cao không đảm bảo hình chụp ra sẽ có chất lượng tốt. Trên thực tế, có không ít mẫu smartphone trang bị các cảm biến có số ‘chấm’ cực cao nhưng chất lượng ảnh chụp lại rất tệ. Điều này cũng hoàn toàn dễ hiểu, khi chất lượng của lens, cùng với các thuật toán xử lý hình ảnh cao cấp mới là yếu tố quan trọng nhất với nhiếp ảnh trên smartphone.
Đáng nói, tất cả các hãng điện thoại đương nhiên hiểu rõ điều này. Thế nhưng, không phải hãng nào cũng có khả năng nghiên cứu và phát triển các thuật toán xử lý hình ảnh hiệu quả. Việc bắt chước cấu hình phần cứng hay thiết kế là khá dễ, nhưng để sao chép các dòng code lập trình thuật toán lại không hề đơn giản.
Ví dụ sau là minh chứng rõ ràng nhất. Mẫu smartphone Honor 9X của Huawei trang bị cảm biến 48MP tỏ ra hoàn toàn lép vế so với camera trang bị cảm biến 12MP của Pixel 3. Dễ dàng nhận ra, ảnh chụp của Honor 9x (bên phải) vừa mờ, vừa thiếu chi tiết, mặc dù được trang bị cảm biến camera độ phân giải khá cao.
Một lý do quan trọng khác cũng cần phải nhắc đến, chính là công nghệ “pixel binning” (ghép pixel) được sử dụng trên các mẫu smartphone trang bị cảm biến camera độ phân giải cao. Pixel Binning là quá trình kết hợp dữ liệu từ bốn pixel liền kề nhau thành một điểm ảnh lớn. Công nghệ này khá giống với việc kết hợp nhiều mảnh ghép thành một hình hoàn chỉnh. Trong thực tế, độ phân giải của những camera này gần với 1/4 “số chấm” máy quảng cáo. Điều này có nghĩa khi chụp ghép pixel trên camera 48MP sẽ cho ra hình ảnh gần tương đương 12MP, trên camera 16MP thì sẽ cho ra hình ảnh tương đương 4MP, còn trên 108MP sẽ có hình ảnh gần với 27MP.
Chưa kể đến, bản thân các mẫu smartphone giá rẻ thường không được trang bị các ống kính camera chất lượng cao vốn có giá sản xuất đắt đỏ. Kết quả, chất lượng ảnh chụp trên các mẫu smartphone này hoàn toàn không tương xứng với thông số kĩ thuật trên giấy tờ.
“Nhiếp ảnh di động”: Nhiều chấm cũng không bằng mấy dòng code
Trong khi cuộc đua về số ‘chấm’ trên camera điện thoại vẫn chưa có hồi kết, các mẫu smartphone đầu bảng lại không có quá nhiều sự thay đổi về mặt phần cứng camera trong vài năm trở lại đây. Thay vào đó, những mẫu smartphone thuộc phân khúc này lại đầu tư nhiều hơn vào nhiếp ảnh điện toán.
Về cơ bản, nhiếp ảnh điện toán không tập trung vào lens hay cảm biến mà tập trung vào khâu xử lý những tín hiệu số do cảm biến thu về để tạo ra bức ảnh JPEG. Trong nhiều năm, đây là khâu ít được người chú ý nhất, cho đến khi Google thực hiện điều không tưởng: chỉ bằng một camera đơn, Pixel vẫn có thể tạo ảnh chụp bokeh “chuẩn” không kém gì camera kép.
Không chỉ Google, tất cả những ông lớn khác như Apple, Huawei, Samsung đều dồn tiền của vào các công nghệ xử lý hình ảnh bằng AI và máy học. Tất cả những con chip được trang bị trên smartphone của những ông lớn này đều tích hợp những linh kiện có khả năng tính toán và xử lý hình ảnh cực kỳ hiệu quả, đơn cử như CPU A13 Bionic của Apple.
Kết quả thử nghiệm thực tế đã chứng minh hướng đi này là đúng đắn. Những cải tiến trong thuật toán xử lý hình ảnh giúp ảnh chụp có độ chi tiết tốt hơn, cùng với đó là khả năng cân bằng sáng và cân bằng màu sắc ở điều kiện ánh sáng ban ngày và ánh sáng yếu. Nhiếp ảnh điện toán cũng cho phép các hãng điện thoại trình làng các tính năng chụp ảnh tiên tiến hơn, bao gồm chế độ chụp đêm, chụp Bokeh hay chế độ chụp thiên văn .v.v.
Mặc dù phần lớn các tính năng này vẫn đang độc quyền trên các mẫu flagship, một số thành tựu của nhiếp ảnh điện toán cũng đang dần xuất hiện trên các mẫu smartphone tầm trung, đơn cử như tính năng chụp đêm hay chụp bokeh. Tuy nhiên, vẫn sẽ mất một thời gian khá dài để những tính năng này được phổ biến toàn bộ. Trong thời gian đó, các mẫu smartphone phổ thông và tầm trung vẫn sẽ phải sử dụng các chiêu trò quảng cáo về số ‘chấm’ nhằm giúp bán được nhiều máy hơn.
Tham khảo AndroidAuthority
*theo Trí Thức Trẻ / soha.vn