Lời ngỏ:
Văn hoá truyền thống cho chúng ta hiểu rằng: Sinh mệnh vốn từ thiên thượng, do mắc tội nghiệp nên phải đoạ xuống cõi người để tu thân quay trở về. Nhân gian là cõi mê, khiến con người phải trải qua khổ nạn mà tu dưỡng thành một sinh mệnh tốt thật sự, ở trong thùng thuốc nhuộm xã hội mà vẫn giữ được sự thuần thiện tiên thiên. Chỉ khi biết trân quý bản thân mình, phù hợp với tiêu chuẩn của thiên quốc thì sinh mệnh mới tìm được con đường quay trở về.
Thuở mới xuất hiện văn minh, Thần đã nhiều lần giáng thế để dạy cho nhân loại các tiêu chuẩn cần có để làm người. Thần cũng hiển linh trong các trường hợp đặc thù để con người hiểu được bài học đó, nhớ tới Thần cũng là nhớ về cội nguồn của sinh mệnh. Vì thế bằng nhiều cách khác nhau, Thần đã truyền cấp cho con người văn hoá, những quan niệm đạo đức để con người có được nền tảng tư tưởng đúng đắn, biết phân biệt tốt xấu, đúng sai.
Truyện cổ tích là một bộ phận không thể thiếu trong Văn hoá Thần truyền. Dù cho xã hội đã phát triển như thế nào đi nữa, dù thuyết vô Thần và các loại học thuyết nguỵ khoa học đã dụ hoặc con người bài xích sự tồn tại của Thần, nhưng những quan niệm về tốt, xấu, đúng, sai vẫn được truyền thừa thông qua truyện cổ tích hay những câu chuyện Thần tiên lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Đặc biệt trong văn hoá truyền thống Việt còn lưu lại rất nhiều câu chuyện về tu luyện, để muôn đời hiểu rằng đó mới là mục đích để làm người.
Hãy cùng Đại Kỷ Nguyên sống lại với những bài học từ truyện cổ tích. Chúng tôi lựa chọn những câu chuyện hay, ý nghĩa được lưu truyền trong dân gian và gửi tới bạn đọc những bài học kinh điển rút ra từ những câu chuyện đó.
***
Ngày xưa có một gia đình nọ rất khá giả, người vợ mất sớm, người chồng không đi bước nữa mà ở vậy nuôi con một mình. Vì thiếu vắng sự chăm sóc dạy dỗ của hiền mẫu, cậu bé được cha chiều chuộng quá mức nên sinh hư, chỉ chơi bời lêu lổng.
Thời gian trôi đi, thấy con trai lớn mà vẫn không chịu làm ăn, người cha rất rầu lòng. Bà con chòm xóm khuyên ông tìm cho con trai một cô vợ thật thông minh, người cha thấy chí phải bèn lặn lội đi tìm. Ông đóng giả làm một lão nông nghèo khổ để thử lòng các cô gái, nhưng mặc dù đã đi rất nhiều nơi ông vẫn chưa tìm được ai.
Một hôm ông gặp một cô gái hái táo ven đường. Cô gái thấy cụ già lang thang nên thương tình chọn những quả táo thơm ngon nhất kính cẩn mời cụ ăn. Trông cô gái toát lên vẻ ân cần, nhân hậu, ông mừng thầm: “Cô gái này thuỳ mị nết na, nhất định sẽ giúp được con trai ta”.
Thế rồi chiều hôm đó, ông cởi bỏ chiếc áo rách rưới trên người, ăn mặc tươm tất tới nhà cô gái giả làm khách lỡ đường xin nghỉ trọ. Gia đình cô gái rất mến khách, họ tiếp đãi ông rất chu đáo, ân cần. Sáng hôm sau, ông đưa cho cô gái một quan tiền và nhờ cô mua một nắm gió, một bó lửa. Cô gái cầm tiền đi chợ rồi về đưa cho ông chiếc quạt và viên đá lửa.
Ông lại lấy gạo nếp ra nhờ cô nấu giúp ông một nồi vừa cơm vừa bánh. Cô gái không hề cảm thấy phiền phức gì, vui vẻ vào bếp. Cô mang gạo nếp đi nấu cơm, bớt lại một ít gạo giã thành bột rồi hấp luôn vào nồi cơm. Khi cô gái bưng ra, trong nồi vừa có cả bánh có cả cơm. Ông mừng lắm, trong lòng thầm nghĩ: “Đây quả là nàng dâu mà ta đang tìm kiếm, vừa thông minh, vừa nhân hậu lại đảm đang hiếm có”.
Người cha trở về nhà sắm sửa lễ vật đến xin hỏi cô gái về làm dâu. Cha mẹ cô gái trước tấm chân tình của ông cụ đôn hậu nên cũng ưng thuận. Mấy hôm sau lễ cưới được tổ chức long trọng và nhộn nhịp.
Người con trai tuy đã có vợ nhưng vẫn chứng nào tật nấy, khiến cha cậu lo buồn quá rồi sinh bệnh nặng. Biết mình không qua khỏi, ông dặn con dâu: “Ta chắc không qua khỏi, cứ tưởng cưới vợ về con trai ta sẽ hồi tâm chuyển ý, nhưng nó vẫn chứng nào tật nấy. Ta rất thương con, nhưng tin rằng con sẽ tìm được cách. Ta có hũ vàng giấu ở sau vườn, khi ta qua đời con hãy đào lên, lấy đó làm vốn sinh nhai, chứ không cậy nhờ được gì ở chồng con đâu”.
Ông cụ mới mất được mấy ngày, gã con trai thua bạc cháy túi, về nhà bắt vợ đưa tiền. Cô vợ hết lời khuyên nhủ, hắn không nghe lại còn đánh đuổi vợ ra khỏi nhà. Không còn ai ngăn cản ràng buộc, hắn thả sức chơi bời. Cho đến khi sạch tay cháy túi, lại chẳng biết làm lụng gì, hắn phải gõ cửa từng nhà ngửa tay xin bố thí.
Người vợ sau khi bị chồng đuổi ra khỏi nhà, liền thay tên đổi họ và tìm đến một phố chợ mở hàng nước kiếm sống. Vì siêng năng chắt chiu, lại có tấm lòng nhân hậu cởi mở nên dù chỉ mở hàng nước nàng vẫn rất đắt khách. Sau khi dành dụm được chút tiền, nàng chuyển sang đi buôn vải. Vốn thông minh và biết vun vén, việc làm ăn của nàng ngày càng phát đạt.
Nàng nhận hai bé gái mồ côi làm con nuôi. Ba mẹ con sống rất đầm ấm, hạnh phúc và vui vẻ. Nhưng nàng chưa bao giờ nguôi ngoai về người chồng cũ, nên mặc dù có rất nhiều chàng trai tài giỏi vì mến mộ đức hạnh và tài năng của nàng nên đánh tiếng dạm hỏi, nhưng nàng đều từ chối.
Nàng thường cho người đi dò hỏi tin tức của chồng cũ. Năm ấy mất mùa, đói kém xảy ra khắp nơi, người đi ăn xin lũ lượt trên đường. Người vợ bấy giờ đã trở thành một bà chủ lớn liền đem tiền, gạo ra phát chẩn cứu giúp kẻ khó.
Người đến lĩnh chẩn đông nghìn nghịt, chồng nàng cũng có mặt trong đám ấy. Dù anh ta rách rưới gầy gò thảm hại, nhưng nàng vẫn nhận ra. Thấy chồng cũ đứng chờ ở đầu hàng bên trái, nàng ra lệnh phát từ hàng bên phải sang. Sắp đến lượt người chồng thì hết gạo.
Hôm sau người chồng tới thật sớm, ngồi vào đầu hàng bên phải. Nhưng những người phát chẩn lại bắt đầu phát từ bên trái sang. Lúc sắp phát đến anh ta thì họ lại giơ thúng không lên nói to. “Hôm nay lại hết gạo. Xin bà con đợi tới ngày mai vậy nhé”.
Lần này người chồng đến từ sớm, chen hàng người đợi phát chẩn. Nhưng đám gia nhân lại phát từ hai đầu lại và đến chỗ anh ta thì gạo cũng vừa vặn hết.
Anh đánh liều tìm đến tận dinh cơ bà chủ xin ăn. Vừa bước đến cổng, anh ta gặp cô con gái nuôi của bà chủ. Cô bé nói: “Nhà cháu đang cần người giúp việc vặt, nếu bác muốn làm thì để cháu bảo mẹ cháu biết”.
Anh mừng rối rít nói: “Xin cô bẩm với bà chủ rủ lòng thương. Được hầu hạ trong nhà này thì phúc đức cho tôi quá”.
Được nhận vào làm, người chồng chăm chỉ sớm hôm không ngơi chân ngơi tay. Người vợ thấy vậy mừng lắm, nhưng vẫn không để lộ một chút gì cho anh ta biết. Nàng chỉ dặn hai con và người nhà đối đãi với anh ta tử tế”.
Sau một thời gian, người quản gia bảo anh ta:
“Bà chủ tôi thấy anh biết ít nhiều chữ nghĩa, nên cho phép anh được ở nhà khách, lo việc dạy dỗ học hành cho đám trẻ trong nhà”.
Từ hôm đó anh ta đêm ngày tận tụy với lũ trò nhỏ. Tết đến bà chủ cho gọi kẻ ăn người ở trong nhà lên chúc Tết.
Vừa nhìn thấy bà chủ, người chồng đã bật khóc nức nở. Nàng lựa lời hỏi han, anh ta mới kể: “Ngày xưa tôi vì ham mê cờ bạc, đánh đuổi vợ nên mới ra nông nỗi này. Nay được gặp bà, thấy bà hao hao giống vợ tôi, tôi ân hận quá không cầm được nước mắt”.
Người vợ thấy vậy nhưng chưa vội hành động gì ngay. Nàng hỏi: “Vậy anh có muốn đi tìm lại vợ mình không, tôi cho anh ít tiền đi tìm cô ấy”.
“Ôi, vậy thì còn gì bằng. Tôi tạ ơn bà suốt đời. Xin bà giúp đỡ, tôi sẽ đi tìm cô ấy”.
Nàng thấy vậy liền cho anh ta ít tiền để đi tìm vợ. Anh ta đi vài tháng rồi quay trở về vì không dò đâu ra tung tích. Anh ta ốm yếu gầy còm vì vừa buồn rầu trong lòng, vừa vất vả đi khắp nơi.
Thấy chồng đã tu tỉnh nàng vô cùng mừng rỡ. Nàng đợi ngày giỗ cha chồng, mới nhờ anh ta chép bài văn tế. Người chồng ngỡ ngàng khi thấy bài vị của tổ tiên nhà chủ chính là bài vị tổ tiên nhà mình. Đến lúc ấy vợ chồng mới nhận ra nhau.
Mấy hôm sau người vợ đào hũ vàng của bố chồng ngày xưa, nàng nói: “Của như núi mà không làm lụng gì thì chẳng mấy chốc cũng hết. Cho nên trong những lúc túng thiếu khó khăn nhất, tôi cũng không dùng tới số vàng này”.
Rồi nàng đem vàng ra mua lương thực cứu giúp người dân vượt qua nạn đói. Từ đấy vợ chồng con cái sống bên nhau rất hạnh phúc. Cũng từ câu chuyện người chồng làm đầy tớ trong chính ngôi nhà của vợ mình mà dân gian mới có câu:
Làm trai rửa bát quét nhà
Vợ gọi thì dạ: bẩm bà con đây
***
Vậy đấy, hạnh phúc lâu bền không dễ dàng có được, đạo nghĩa vợ chồng cũng không nhất thời mà có thể chứng thực được. Với bản lĩnh và trí tuệ vốn có, người vợ trên đã có thể quên đi ông chồng bạc bẽo để theo đuổi hạnh phúc của riêng mình, thế gian cũng không thể phán xét gì nàng. Nhưng với trái tim nhân hậu và sự nhẫn nại phi thường, nàng đã cứu vớt được cuộc đời của người chồng lầm đường lạc lối. Đức hạnh của nàng vẫn còn lưu mãi trong dân gian.
Nghĩ về phụ nữ truyền thống xưa, chúng ta thường cho rằng họ chỉ quanh quẩn xó nhà, ít hiểu biết và phải dựa vào đàn ông. Đây là một quan niệm hoàn toàn sai lầm. Vì đặc tính tự nhiên “nam cương nữ nhu”, nên vai trò của họ trong gia đình và xã hội cũng được phân phối những công việc phù hợp với đặc tính này, nhưng điều đó không ảnh hưởng gì tới trí tuệ và sự tôn trọng của xã hội dành cho nam hay nữ.
Dù là truyện kể lịch sử, truyện cổ tích dân gian, thì giai thoại về phụ nữ cũng nhiều không đếm xuể. Do đặc tính tự nhiên, trí tuệ của họ không phát huy nhiều ở những vai diễn dành cho nam giới như điều binh, đánh giặc… mà là ở vai trò khác. Thiếu vắng họ, chắc chắn những nam hùng, hổ tướng, minh quân cũng không xuất hiện trên đài vũ kịch lịch sử của nhân loại.
Trong truyện cổ tích, truyện dân gian, chúng ta cũng nghe nhiều câu chuyện ca ngợi sự mạnh mẽ tốt bụng của phái nam cũng như sự dịu dàng lương thiện của phái nữ. Nhưng dường như chúng ta rất ít được nghe tới câu chuyện “chồng dạy vợ hư”, hay “nhờ người chồng mà gia đình tan nát trở nên tốt đẹp”. Ngược lại, những tấm gương phụ nữ thông minh, đức hạnh cảm hóa được ông chồng thiếu hiểu biết và tội lỗi thì lại có rất nhiều. Câu chuyện được lưu truyền trong dân gian trên là một trong số đó.
*Theo dkn.tv