Thử nghiệm của Unicef từng cho thấy, đứa trẻ mặc xấu hầu như không được ai nhòm ngó tới khi đi lạc đường, và ngược lại.
Trang phục mà bạn trang bị cho con cái phần nào ảnh hưởng tới nhân cách và tương lai của đứa trẻ? Nhận định này dường như khiến nhiều người ngạc nhiên. Áo quần chỉ là vẻ bề ngoài, tấm áo manh quần sao có thể quyết định được nhân cách con người? Tuy nhiên, hãy theo dõi thử nghiệm dưới đây để có một góc nhìn khác.
Trang phục mà bạn trang bị cho con cái phần nào ảnh hưởng tới nhân cách và tương lai của đứa trẻ? Nhận định này dường như khiến nhiều người ngạc nhiên. Áo quần chỉ là vẻ bề ngoài, tấm áo manh quần sao có thể quyết định được nhân cách con người? Tuy nhiên, hãy theo dõi thử nghiệm dưới đây để có một góc nhìn khác.
Thử nghiệm xã hội từng được Unicef tiến hành tại thủ đô Gruzia để ghi nhận thái độ khác biệt của cộng đồng qua vẻ bề ngoài. Trong thử nghiệm, một bé gái 6 tuổi đi bộ ở nơi công cộng với những trang phục khác nhau để thử phản ứng của mọi người. Camera giấu kín ghi lại những hình ảnh đó một cách chân thực.
Ban đầu, bé gái mặc đẹp, trông rất xinh xắn. Cô bé giả vờ bị lạc và đứng khóc. Những người đi qua lại lập tức dừng lại để hỗ trợ, hỏi han, đề nghị đưa bé về nhà. Dường như cô bé nhận được sự quan tâm, thiện cảm của mọi người.
Ngay sau đó, các nhân viên đã hóa trang cho bé gái trông như một cô bé bụi đời, mặt lấm lem, quần áo rách rưới. Khi bé đứng khóc bên đường, hoàn toàn không có ai dừng lại hỏi bé. Cũng không ai có ý định lại gần giúp đỡ.
Địa điểm tiến hành thử nghiệm sau đó được dời sang một nhà hàng sang trọng. Phản ứng của mọi người cũng không khác ngoài đường: họ vui vẻ, thân thiện khi bé gái gọn gàng, xinh xắn, nhưng tỏ ra ái ngại, thờ ơ khi thấy bé gái trong diện mạo bẩn thỉu, lôi thôi.
Bé gái sau khi kết thúc buổi ghi hình đã kể lại: Trong nhà hàng, khi bé là kẻ lang thang rách rưới như “đường chợ”, mọi người đuổi bé ra ngoài, khiến bé vô cùng tổn thương.
Video thử nghiệm cho thấy một thực tế rất rõ ràng: ngoại hình (gương mặt, trang phục), hành động, thần thái của một người sẽ tạo ra những đánh giá ban đầu toàn diện, tổng thể về người đó trong mắt người khác. Việc đánh giá này là phản ứng tự nhiên từ tiềm thức của mỗi người khi đối diện một người khác, và hoàn toàn không phân biệt tuổi tác, khu vực.
Trẻ em không là ngoại lệ, ví dụ trên đã cho thấy điều đó. Bé gái chỉ xuất hiện trong một thời điểm ngắn, nhưng ngoại hình của bé thay đổi đã kéo theo những phản ứng thay đổi của mọi người dành cho cô bé.
Trên thực tế, những đứa trẻ phục trang gọn gàng, sạch đẹp, gương mặt sáng sủa có thể gửi gắm một thông điệp tích cực cho người đối diện qua chính diện mạo của chúng. Ngược lại, trẻ ăn mặc tềnh toàng, kém vệ sinh lại gửi một thông điệp tiêu cực. Giống như nhà văn nổi tiếng Trương Ái Linh từng nói: “Một khuôn mặt ưa nhìn giống như một tiêu đề đẹp, hấp dẫn của một cuốn sách, bạn không thể không muốn đọc chúng”.
Bạn không thể kiểm soát việc con mình đẻ ra gương mặt có đẹp hay không, vì nó hoàn toàn thuộc về di truyền. Tuy nhiên, bạn có thể cho con mình một diện mạo tốt, bắt đầu từ ăn mặc, đầu tóc… để đảm bảo đứa trẻ nhận được sự quan tâm, thiện cảm từ mọi người, thay vì những cái nhìn thiếu thiện cảm, thương hại.
Trang phục phù hợp không có nghĩa là cha mẹ cần “dát vàng” lên trẻ, hay đổi mốt từng ngày. Đồ trẻ mặc cần đảm bảo yếu tố sạch sẽ, thẩm mỹ, không lôi thôi lếch thếch, tóc tai cần gọn gàng. Điều này không chỉ khiến trẻ tự tin hơn khi tiếp xúc với mọi người, mà còn là việc rèn luyện cho trẻ một tác phong sống hiện đại, chỉn chu.
Đừng quên, diện mạo bên ngoài giống như một tấm danh thiếp, để trẻ cơ hội tiếp cận và giới thiệu mình với mọi người.
Thẩm mỹ của trẻ cần được nuôi dưỡng từ nhỏ
Theo nhiều nghiên cứu, thời kỳ nhạy cảm về mặt thẩm mỹ của trẻ đã bắt đầu từ khoảng 2,5-5 tuổi. Trẻ trong giai đoạn này có những nhận thức đầu tiên về cái đẹp, và chúng sẽ kiên trì xây dựng bản thân theo chuẩn thẩm mỹ của riêng mình. Phần nhiều trẻ xây dựng thẩm mỹ của bản thân thông qua thế giới người lớn. Ví dụ, nhiều bé gái thường lấy son của mẹ để tô môi, đòi đeo nhẫn của mẹ hay lấy guốc cao của mẹ ra xỏ vào chân… Thế nên, đây là giai đoạn phụ huynh có thể bắt đầu xây dựng cho con những nền móng đầu tiên trong việc sử dụng phục trang sao cho có thẩm mỹ, chải tóc sao cho gọn gàng. Ngược lại, nếu để trẻ tuềnh toàng, không có ý thức về cái đẹp, lớn lên, trẻ là đứa kém gu thẩm mỹ, kém chỉn chu khi ra ngoài xã hội.
Làm đẹp cho bản thân là thể hiện sự tôn trọng với mọi người và với bản thân mình
Dương Lan, nhà báo, MC nổi tiếng của Trung Quốc, từng chia sẻ câu chuyện của mình. Năm 25 tuổi, sau một cuộc phỏng vấn thất bại ở Anh, Dương Lan ra quán cafe ngồi “gặm nhấm” nỗi buồn. Khi ấy, cô mặc đồ ngủ, để mặt mộc, khoác bên ngoài là một chiếc áo tuềnh toàng, cũ kỹ. Khi bước vào quán cafe, cô được bố trí ngồi gần một phụ nữ trung niên. Người này ăn mặc lịch thiệp, sang trọng “như nữ hoàng Anh”. Thấy cô, người phụ nữ ngẩng đầu lên, liếc nhìn thấy cô, sau đó gửi cho cô một mẩu giấy: “Phòng thay đồ ở phía sau bạn”. Xấu hổ, Dương Lan đứng dậy, vào phòng chỉnh lại quần áo, thoa chút son môi. Khi cô trở về chỗ ngồi của mình, người phụ nữ đã không còn ở đó. Trên bàn chỉ còn một tờ giấy nhắn: “Là phụ nữ, hãy luôn tươm tất. Đó là phẩm giá của một phụ nữ”.
Dương Lan nhớ lại mình khi bước vào cuộc phỏng vấn, cô đã ăn mặc tềnh toàng, trong khi những ứng viên khác đều rất nổi bật. Cô hiểu ra một điều, mình có thể đã thất bại vì thiếu tôn trọng người khác. Tạo cho bản thân một diện mạo đẹp, chính là tôn trọng mình, và tôn trọng cả những người xung quanh.
Tất cả cái đẹp trong cuộc sống đều quan trọng. Phong cảnh thiên nhiên, kiến trúc, khí chất của mỗi người, trang phục của bạn… Mọi thứ đều có giá trị. Thế nên, đừng coi thường giá trị của hình thức, nhất là trong cuộc sống hiện đại ngày nay.
*Theo VnExpress / giadinh.net.vn
Nguồn: http://giadinh.net.vn/gia-dinh/de-con-mac-tuenh-toang-la-hai-con-20191205091154211.htm