Không còn được mua chip Mỹ, SenseTime người khổng lồ về phần mềm nhận diện gương mặt Trung Quốc đành từ bỏ việc cung cấp phần cứng và thiết bị cho khách hàng.
Đúng vào thời điểm đặt chân tới New York để tăng cường hợp tác với Mỹ về trí tuệ nhân tạo, nhà đồng sáng lập SenseTime Group, ông Xu Bing nhận được tin dữ: Chính quyền tổng thống Trump đã đưa công ty của ông vào Danh sách Thực thể – giống như điều đã làm với Huawei – và bị cấm mua các sản phẩm công nghệ của Mỹ, như chất bán dẫn.
Không giống Huawei, SenseTime không phải là một hãng có kinh nghiệm về chế tạo chip hay các thiết bị phần cứng. Hầu hết những nhà sáng lập đều là các học giả từ viện nghiên cứu, với những phần mềm trí tuệ nhân tạo ứng dụng trong lĩnh vực nhận diện gương mặt và camera giám sát, cũng như camera AI cùng các thiết bị phần cứng khác cho các tổ chức và các cơ quan chính phủ. Lệnh cấm khiến họ gần như không còn khả năng cung cấp thiết bị phần cứng nữa.
Không còn khả năng cung cấp phần cứng nữa
Với mức định giá đến 7,5 tỷ USD, SenseTime là startup AI có giá trị nhất thế giới hiện nay. Năm ngoái, theo những người thân cận với sự việc, công ty đã huy động được 2,5 tỷ USD từ các nhà đầu tư như hãng SoftBank Group của Nhật và quỹ Temasek Holdings của Singapore.
Giờ đây khi hiểu rằng mình đang bị cuốn vào cuộc đối đầu giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ-Trung, SenseTime có kế hoạch chuyển dịch ra khỏi phần cứng, vốn cần đến các chip của Mỹ, để tập trung vào các phần mềm nhận diện gương mặt và các ứng dụng khác. Các nhà sáng lập hy vọng rằng, họ có thể sống sót khỏi mối đe dọa hiện tại.
Ông Xu cho biết: “Trong dài hạn, các yếu tố cơ bản trong kinh doanh vẫn rất quan trọng, vì vậy đó là những gì chúng tôi tập trung vào.”
Đối với SenseTime, thách thức lớn nhất từ lệnh cấm này là việc không còn được tiếp cận với các sản phẩm bán dẫn của Mỹ nữa, đặc biệt từ hãng Nvidia Corp. Các con chip này tích hợp trong các camera AI và các phần cứng khác được SenseTime bán cho các công ty và các tổ chức chính phủ.
Không có chúng, SenseTime chỉ có thể tiếp thị phần mềm cho các khách hàng hoặc cho các đại lý bán buôn để họ cài đặt chúng lên camera hoặc máy chủ riêng của họ. Chắc chắn điều này sẽ tác động mạnh đến hoạt động kinh doanh của công ty khi phần cứng chiếm đến một nửa doanh thu của SenseTime. Dù vậy phần mềm sẽ có lợi nhuận biên cao hơn.
Theo một người thân cận với sự việc, doanh số SenseTime có khả năng sẽ tăng gấp 3 lần trong năm nay, đạt mức 900 triệu USD. Ngay cả khi đà tăng trưởng này có thể bị chậm lại do lệnh cấm từ Mỹ, doanh thủ vẫn có thể tăng gấp đôi sau mỗi năm trong vòng 3 năm tới.
Ông Xu Li, CEO của SenseTime và là một nhà đồng sáng lập khác cho biết: “Chúng tôi đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho một cuộc chơi dài hạn.”
Ông cũng thừa nhận rằng, lệnh cấm của chính quyền ông Trump đã làm một số nhân viên và khách hàng của họ e ngại. Nhưng quá trình xây dựng một doanh nghiệp tương tự như nghiên cứu trong học viện vậy – nó luôn kéo dài và chậm chạp.
“Doanh nghiệp là một cuộc đua marathon đường dài, không phải chạy nước rút.” Ông Xu cho biết. “Chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển mạnh.”
SenseTime – người khổng lồ về phần mềm nhận diện gương mặt
Vào năm 2014, ông Xu Li lúc này vẫn đang là thực tập sinh tiến sĩ về khoa học máy tính tại Đại học Trung Quốc ở Hong Kong. Tại đây ông có cơ hội gặp gỡ một vài học giả về AI và họ cùng nhau lập nên SenseTime.
Ban đầu mọi chuyện không mấy suôn sẻ khi ông Xu chỉ tập trung vào tuyển mộ các nhà học giả thay vì tìm kiếm khách hàng. Sau 9 tháng ròng không có doanh thu, cơ hội chợt đến với SenseTime nhờ việc cho vay ngang hàng đang cất cánh tại Trung Quốc. Tuy nhiên việc cho vay qua ứng dụng cũng kéo theo nạn lừa đảo nở rộ và họ cần một giải pháp nào đó.
SenseTime chính là người mang đến giải pháp đó khi phần mềm của họ có thể quét gương mặt và dựa trên các chuyển động như: quay đầu, nháy mắt và lè lưỡi để chứng minh họ là người thật. Khách hàng đầu tiên đã trả 2,8 triệu USD cho giải pháp của SenseTime và kéo theo đó là các khách hàng khác cũng tìm đến họ.
Tiếp sau đó là hãng sản xuất smartphone Xiaomi cần hỗ trợ để tạo ra các album ảnh tùy chỉnh cho người dùng. Rồi đến ByteDance, hãng đứng sau ứng dụng video ngắn TikTok cũng chọn SenseTime để tạo nên các bộ lọc làm đẹp trong thời gian thực cho các streamer.
Nhưng việc kinh doanh chỉ thực sự cất cánh nhờ vào công nghệ camera an ninh. Trung Quốc có khoảng 30 triệu camera giám sát và chỉ khoảng 1% trong số đó là camera thông minh có khả năng phân tích hình ảnh. Nếu muốn nâng cấp thiết bị, mỗi camera sẽ tiêu tốn thêm từ 500 USD đến 3.000 USD tùy vào chức năng cần bổ sung như xác định gương mặt, tình hình giao thông hay đám cháy, vụ nổ nào đó.
Đó là một cơ hội lớn với SenseTime khi cung cấp phần mềm phân tích hình ảnh từ camera thông thường. Doanh thu từ việc cung cấp phần mềm nâng cấp camera chính phủ đóng góp đến 35% doanh thu SenseTime. Mặc dù vậy công ty luôn nhấn mạnh rằng mình không trực tiếp hợp tác kinh doanh với các cơ quan chính phủ. Nhưng các cơ quan này có thể mua phần mềm và thiết bị của họ qua các nhà cung cấp bên thứ ba.
Đối thủ lớn nhất của SenseTime chính là Megvii, một startup AI khác cũng của Trung Quốc. Hiện Megvii cũng bị đưa vào danh sách Thực thể cùng thời điểm với SenseTime, tuy nhiên điều này dường như không làm họ từ bỏ kế hoạch IPO trong thời gian tới.
Tham khảo SCMP
*theo Trí Thức Trẻ / soha.vn