Tuổi già như đèn dầu trước gió, có thể vụt tắt bất cứ lúc nào. Mỗi từng miếng ăn giấc ngủ của họ đều cần được cháu con chăm sóc. Dân gian có câu nói: “60 không mời rượu, 70 không qua đêm, 80 không để dành cơm, 90 không giữ chỗ ngồi”.
Câu nói trên gửi gắm cho chúng ta đạo lý nhân sinh gì?
Câu nói ấy có nhiều tầng ý nghĩa khác nhau, nhưng phải trải qua rất nhiều năm chiêm nghiệm và chăm sóc cho bố trong những năm tuổi già, tôi mới dần dần hiểu được ý nghĩa của câu nói đó.
Thời trẻ bố tôi là một người đàn ông khỏe mạnh và chăm chỉ làm việc nuôi cả gia đình. Khi bố bước vào độ tuổi 60, sức khỏe mặc dù vẫn rất tốt nhưng không còn nhanh nhẹn như trước. Sau 70 tuổi cơ thể của ông bắt đầu có những biểu hiện người già, tình trạng sức khỏe cũng ngày càng yếu đi. Cho đến vài năm nay, sức khỏe của bố ngày càng đi xuống khiến con cháu trong nhà ai ai cũng lo lắng.
“60 tuổi không mời rượu, 70 tuổi không qua đêm, 80 tuổi không để dành cơm, 90 tuổi không giữ chỗ ngồi”, câu nói này đã cho thấy tình trạng sức khỏe của con người theo từng độ tuổi. Dù khỏe mạnh thế nào đi nữa, thì từ 60 tuổi về sau mọi biểu hiện của tuổi già bắt đầu xuất hiện. Những thói quen nhỏ hay những việc mà trước đây ta có thể thực hiện một cách dễ dàng, thì sau 60 mọi thứ cũng trở nên khó khăn.
Vì vậy mới nói “60 không mời rượu”, vì khi con người bước vào độ tuổi 60, uống rượu rất độc hại cho cơ thể. Những bạn trẻ chúng ta đừng nên mời người đã trên 60 tuổi uống rượu, bởi như thế cũng bằng như hại họ.
Qua tuổi 70, sức khỏe sẽ càng ngày đi xuống, nếu ngủ lại ở nhà người khác qua đêm thì rất có thể sẽ xảy ra nhiều vấn đề không mong muốn. Vì vậy sau tuổi 70 không nên qua đêm ở nhà người khác, nếu sự cố ngoài ý muốn xảy ra thì vừa thiệt mình mà lại đem đến phiền phức cho gia chủ.
70 tuổi gọi là “cổ hy”, 80 tuổi gọi là “điệt”, 90 tuổi gọi là “mạo”. Những người sống đến tuổi 80, 90 là những người đã sống đến cái tuổi “điệt mạo”. Vào lúc này, cơ thể trở nên suy lão và yếu ớt, không thể thích nghi với chế độ ăn uống quá nhiều dinh dưỡng. Vì thế mới nói: “80 không để dành cơm, 90 không giữ chỗ ngồi”.
Câu nói trên cũng là lời nhắc nhở đến con cháu và tất cả chúng ta về phép tắc cư xử với người cao niên. Chẳng phải chúng ta vẫn nói người già như vật báu trong nhà, cần phải trân trọng và chăm sóc tận tình đó sao?
***
Tổ tiên đã để lại cho chúng ta rất nhiều kiến thức và kinh nghiệm quý báu. Những lời mà người xưa để lại đều là đúc kết từ đạo lý nhân sinh, chính vì thế cần được lưu giữ và tiếp tục lưu truyền cho thế hệ đời sau.
Chúng ta đều biết rằng, nền văn hóa truyền thống Á Đông rất trọng lễ nghĩa. Nhất là thời cổ đại, những việc bình thường như ăn, uống, ngủ, nghỉ cũng phải theo lễ nghĩa chứ không được tùy ý hành động.
Thời xưa chưa có giấy bút, máy ghi âm hay máy quay, vì thế những câu ca dao tục ngữ được truyền từ đời này qua đời khác bằng phương thức truyền miệng. Khác với văn thơ tao nhã, những câu nói này mang đến sự phóng khoáng và gần gũi với cuộc sống hàng ngày.
Câu nói trên chỉ là một phần trong kho tàng tri thức dân gian. Bạn có biết những câu ca dao, tục ngữ nào khác như thế hay không? Hãy cùng chia sẻ nhé!
*Theo dkn.tv