Không thuê nhà cũng chẳng cần mua, tưởng ở nhờ thì sẽ tiết kiệm, không hề nhé!
Chuyện thuê nhà hay mua luôn nhà mới thì tất nhiên phải tốn kém, không nhiều thì ít. Nhưng liệu những người không cần mua nhà cũng chẳng cần thuê, tóm lại là hội ở nhờ thì có tốn kém nhiều trong chuyện chi tiêu không? Cùng nghe tâm sự người trong cuộc nhé!
Ở nhờ nhưng chi tiêu vẫn nhiều hơn nước, tưởng tiết kiệm nhưng hóa thành hư vô!
Linh Chi (19 tuổi, sinh viên tại TP.HCM, đã ở nhờ tại nhà người thân được hơn 1 năm) chia sẻ về khoản chi tiêu hơn 5 triệu mỗi tháng dù cô bạn chưa bao giờ phải trả bất kì khoản sinh hoạt phí nào cả. “Mình ở nhà bác ruột, không tốn tiền nhà cũng chẳng tốn tiền điện nước, nhưng mình sẽ chi cho mấy khoản đồ ăn thực phẩm. Thông thường, mình sẽ mua đồ ăn hoặc phụ bác tiền đi chợ hàng ngày, mỗi tháng cũng hơn 3 triệu rồi. Thêm mấy khoản mua sắm lặt vặt và đi chơi với bạn nữa thì hết hơn 5 triệu.” – Chi chia sẻ.
Không như Linh Chi nhưng cũng chẳng khá khẩm hơn là bao, Thắng (22 tuổi, nhân viên văn phòng) cũng tốn hết 7-8 triệu mỗi tháng. Dù không đóng tiền nhà và sinh hoạt phí, Thắng vẫn phải chi một khoản tiền để mua đồ chơi cho con của người thân. “Ở nhờ mà không mua gì tặng thì cũng ngại nên mình hay mua đồ chơi cho mấy bé nhà dì, cuối tuần hay mời mọi người đi ăn ngoài và trả luôn, tốn sương sương 3-4 triệu, còn lại thì mình đổ xăng đi làm và mấy khoản lặt vặt cá nhân.” – anh chàng cười.
Còn với Hân (18 tuổi, sinh viên TP.HCM) cũng tốn một khoản không hề nhỏ khi chi tiêu tận 6 triệu mỗi tháng. “Mình hay tiêu vào mua sắm quần áo và phụ kiện, ăn ngoài và đi chơi với bạn bè là nhiều. Ở với chị nên mình được chị hỗ trợ khá nhiều thứ.” – Hân chia sẻ.
Khi hỏi vì sao được hỗ trợ nhưng vẫn chi tiêu một khoản không hề nhỏ so với mức chi tiêu của một sinh viên, Hân cười trừ: “Mình hay mua quần áo chụp hình sống ảo, cũng hay đi ăn ngoài nên tiêu tiền hơi vung tay.”
Không tiết kiệm hơn lại bất tiện, sao vẫn thích ở nhờ?
Hân cho rằng nếu không ở nhờ với chị, cô bạn còn có thể sẽ tốn kém thêm rất nhiều khoản phí khác. “Giờ ở với chị mà tiêu đã 6 triệu thì tớ ra ở riêng hết 10 triệu mất, có chị phụ đỡ đồng nào hay đồng đó vẫn ổn hơn chứ.” – Hân bộc bạch.
Còn với Thắng, anh cho rằng việc ở cùng người thân không những giúp mình gắn bó hơn với gia đình mà còn để bố mẹ yên tâm và có nơi “nương tựa” khi cần. “Mình nghĩ ở nhờ nhà họ hàng dù cũng không tiết kiệm được bao nhiêu nhưng mọi người có thể hỗ trợ và giúp đỡ mình khi gặp khó khăn. Mình vừa vào học đã được cho mượn xe máy, lúc ốm cũng có người chăm.” – Anh chàng tâm sự.
Còn với Linh Chi, cô nàng cảm thấy chưa thực sự tin tưởng việc ở ghép với bạn bè nên vẫn đắn đo. “Mình thì không có tài chính để ở riêng rồi, cơ mà ở ghép thì rất sợ không hợp, rồi xích mích nọ kia, thấy còn bất tiện hơn cả ở nhờ với người thân nữa.” – cô bạn nói.
Chi tiêu khi ở nhờ, phải làm sao cho cân đối!
Rõ ràng việc cân đối chi tiêu khi ở nhờ tưởng dễ mà hóa ra cũng khó, nhưng cũng không phải là không có cách giải quyết!
Với Linh Chi, cô bạn cho rằng khi ở nhờ cần lên ngân sách chi tiêu phù hợp, rõ ràng và có trao đổi với người thân, họ hàng ngay từ ban đầu. “Đối với các khoản nào có thể góp vào, mình sẽ nói với bác ngay lúc đầu. Bên cạnh đó, mình cũng hạn chế ăn ngoài, mua sắm để tiết kiệm hơn, dù đôi lúc sẽ hơi phung phí một chút.” – Chi cười
Còn đối với Thắng, để cân đối được việc chi tiêu, anh chàng dự định sẽ giảm bớt khoản tiền mua đồ chơi cho các bé con người thân và bớt ăn ngoài. Thắng nói: “Mình thấy mua đồ chơi thì các bé chơi vài lần rồi cũng chán, vì vậy mình sẽ giảm bớt khoản này lại. Khoản ăn ngoài chắc cũng cần thay đổi thành góp tiền ăn với nhà dì thì sẽ đỡ hơn.”
*Theo soha.vn
Nguồn: https://soha.vn/hoi-o-nho-ho-hang-ke-chuyen-chi-tieu-van-ton-kem-tuong-tiet-kiem-ma-hoa-thanh-hu-vo-20220710093753245.htm