Có hai loại thuốc giảm đau hạ sốt chữa cảm cúm chứa dược chất paracetamol. Một là thuốc chỉ chứa paracetamol không thôi (nhiều dược phẩm xem kỹ sẽ thấy trong công thức chỉ chứa một thuốc thôi là paracetamol), đây có thể xem là thuốc giảm đau hạ nhiệt thông thường.
Loại thuốc thứ hai là loại phải thật thận trọng trong sử dụng: đó là thuốc phối hợp đến ba dược chất. Một là paracetamol, hai là thuốc kháng histamin trị dị ứng là clorpheniramin, ba là thuốc có tác dụng co mạch, làm tan máu chống sung huyết ở niêm mạc mũi dùng để trị nghẹt mũi, sổ mũi là phenylpropanolamin-PPA (hiện nay PPA đã bị cấm và dược chất được thay là pseudoephedrine, phenylephrin).
Nếu dùng thuốc trị cảm cúm là loại phối hợp phải lưu ý xem thuốc có chứa thêm các dược chất khác ngoài paracetamol hay không. Nếu thuốc có chứa thuốc kháng histamin nên tránh dùng đối với phụ nữ có thai đặc biệt 3 tháng đầu, cũng tránh dùng đối với người đòi hỏi sự tỉnh táo, tập trung như lái xe, vận hành máy móc vì thuốc kháng histamin gây buồn ngủ. Nếu thuốc có chứa chất co mạch giảm sung huyết phải tránh dùng đối với người bị cao huyết áp, vì huyết áp có thể tăng khi dùng thuốc.
Có thư bạn đọc viết hỏi như sau: “Ba em năm nay 75 tuổi sức khỏe vẫn còn khá. Việc làm hàng ngày của ông ấy là chăm sóc mấy cây kiểng quanh sân nhà, đôi khi bê mấy chậu kiểng đi tới đi lui. Hai hàm răng của ông rụng hết chỉ còn 1 cái, ăn uống vẫn bình thường, ngày uống thêm 2 chai bia (trưa và tối). Ba em bảo ngày uống 2 lần (trưa và tối) mỗi lần uống vài loại thuốc hay thực phẩm bổ sung chứa vitamin B cho dễ ngủ. Xin hỏi, ba em dùng thuốc thường xuyên như vậy có ảnh hưởng tới sức khỏe không? Liệu như vậy có liên quan tới việc ba em lâu lâu bị tăng huyết áp (trên 140) không? Mong sớm tư vấn giúp em. Xin cám ơn”. (dtg…giang82@yahoo.com)
Xin trả lời: Người cao tuổi luôn có nguy cơ bị tai biến trong sử dụng thuốc, vì vậy, không nên tùy tiện dùng thuốc. Theo thư hỏi, trong các loại thuốc mà người cao tuổi dùng thường xuyên có loại thuốc có thể gây nguy hiểm không thấy liền trước mắt mà gây hại lâu dài. Vitamin nhóm B, như vitamin B1+B6+B12 là thuốc bổ sung vitamin nhóm B nhằm cung cấp chất dinh dưỡng cho người thiếu và có thể trị đau nhức thần kinh cho những người uống nhiều bia rượu.
Người cao tuổi, đặc biệt người uống bia rượu thường xuyên có thể uống viên vitamin B chẳng việc gì. Nhưng người cao tuổi có tăng huyết áp dùng các loại thuốc kết hợp nhiều dược chất thật đáng lo ngại! Vì sao như vậy? Thuốc chứa 3 dược chất là paracetamol (còn gọi là acetaminophen) có tác dụng giảm đau hạ sốt, clorpheniramin là thuốc kháng histamin trị dị ứng, và phenylephrin là thuốc cường giao cảm có tác dụng làm co mạch chống sung huyết ở niêm mạc mũi. Vì vậy, thuốc chủ yếu dùng trị cảm – sổ mũi, cụ thể dùng trị sốt, nhức đầu, đau nhức bắp thịt kèm theo sổ mũi, nghẹt mũi, viêm mũi, viêm xoang do cảm cúm hoặc dị ứng với thời tiết. Cả 3 dược chất đều phải thận trọng trong sử dụng.
Với paracetamol, phải dùng đúng liều lượng vì nếu dùng quá nhiều sẽ gây hoại tử gan. Có lời khuyên, với trẻ con, không được dùng paracetamol quá 5 ngày để hạ sốt (ngoại trừ có sự chỉ định của bác sĩ), còn người lớn không dùng quá 10 ngày.
Người cao tuổi, chức năng gan đã yếu mà dùng thuốc chứa paracetamol lâu dài thế nào cũng sẽ ảnh hưởng xấu đến gan.
Riêng clorpheniramin có tác dụng phụ gây buồn ngủ, không phù hợp cho những người đang làm công việc cần sự tỉnh táo như tài xế, công nhân vận hành máy móc (người cao tuổi trong thư hỏi dùng thuốc cảm thấy dễ ngủ là do dược chất này).
Và phenylephrin là thuốc giúp co mạch chống sung huyết ở niêm mạc mũi làm hết sổ mũi, nghẹt mũi nhưng không thích hợp với người bị bệnh tăng huyết áp (thuốc có tác dụng cường giao cảm sẽ làm huyết áp tăng vọt).
Người cao tuổi có tăng huyết áp khi đang dùng thuốc có thể do thuốc nhưng cũng có thể do bệnh, và cả hai trường hợp đều nguy hiểm, vì nếu đã nhuốm bệnh tăng huyết áp mà dùng “bậy” bệnh sẽ nặng hơn.
Hãy xem phần chống chỉ định (tức những trường hợp không được dùng thuốc) đối với thuốc: “Quá mẫn (tức dị ứng) với thành phần thuốc. Tăng HA, đau thắt ngực, huyết khối mạch vành & tiền sử tai biến mạch máu não. Cường giáp, đái tháo đường, suy giáp, viêm tuyến tiền liệt. Lái xe hoặc vận hành máy móc. Trẻ < 15 tuổi”.
Xin có lời khuyên với người viết thư hỏi là động viên người thân cao tuổi ngưng ngay việc sử dụng thuốc, vì dùng lâu ngày sẽ có hại.
PGS.TS. NGUYỄN HỮU ĐỨC
*Theo suckhoedoisong.vn
Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/khong-dung-lau-dai-thuoc-cam-so-mui-n166163.html