Con đường thành công của Xiaomi, giờ đã có một kẻ trực tiếp học hỏi…
So với tất cả các hãng smartphone trong top 5 hay thậm chí là top 10 thế giới, Xiaomi vẫn nắm giữ một vị trí đặc biệt: “startup” duy nhất trong làng di động. Nếu như cả Apple, Samsung đều đã có hàng chục năm tuổi đời, tuổi đời của Xiaomi còn chưa đến một thập niên.
Xét tới tuổi đời non trẻ này, những gì Xiaomi làm được thực sự là một phép màu. Năm 2015, Xiaomi lọt top 5 thế giới, đánh bại cả những tên tuổi dày dặn kinh nghiệm như ZTE hay Lenovo. Năm ngoái, Xiaomi thậm chí còn vươn lên vị trí số 4, chỉ đứng sau Samsung, Apple và Huawei.
Thành tựu đặc biệt này đến từ một bí quyết đơn giản: Xiaomi bán điện thoại rẻ như cho. Kể từ khi thành lập cho đến khi “lên sàn” tại Hong Kong, CEO Lei Jun vẫn nhắc đi nhắc lại rằng Xiaomi sẽ không bao giờ ăn lãi ròng quá 5%. Kết hợp giữa cấu hình mạnh, thiết kế đạo nhái Apple và mức giá dễ chấp nhận, Xiaomi gần như một mình một cõi trong thế giới smartphone.
Đối thủ đầu tiên
Nhưng chính chiến lược thành công ấy sẽ khiến Xiaomi phải lo lắng về một đối thủ đồng hương. Ngày 15/10, Realme đã chính thức trình làng chiếc Realme X2 Pro với mức giá khởi điểm 2599 Nhân Dân Tệ (khoảng 8,5 triệu đồng). Ở mức giá này, Realme X2 Pro vẫn được trang bị chip Snapdragon 855+, 6GB RAM và bộ nhớ 64GB. Phiên bản 8GB/128GB có giá 2799 Tệ, vẫn rẻ hơn 100 Tệ so với mẫu Mi 9 khởi điểm (Snapdragon 855 “thường”, 6GB RAM và 128GB bộ nhớ).
Chưa bao giờ Xiaomi bị đe dọa theo cách này. Apple chỉ kinh doanh giá đắt, Samsung chẳng bao giờ phá giá cấu hình (A90 mới là mẫu smartphone đầu tiên ngoài dòng S/Note của Samsung được trang bị chip cao cấp nhất).
Tại Trung Quốc hay châu Âu, Huawei cũng hiếm khi chạm đến mức giá của Xiaomi – ví dụ, Mi 9 khởi điểm 2999 Tệ thì Mate 30 khởi điểm tới 3999 Tệ. Trong nhà BKK (OPPO, Vivo, OnePlus), 2 thương hiệu lớn nhất là OPPO và Vivo cùng vươn lên bằng mạng lưới phân phối rộng rãi, thiết kế đẹp và thông điệp xoáy vào tính năng ảnh chụp. Ngay đến OnePlus ban đầu ra mắt với vai trò “sát thủ đầu bảng” nhưng rồi cũng dần dần trở thành một thương hiệu cận cận cao cấp.
Sự ra đời của Realme đã thay đổi tất cả. Mục tiêu đầu tiên được công ty này nhắm đến là Ấn Độ, một thị trường cuồng cấu hình và cũng là thị trường thành công thứ hai của Xiaomi, sau Trung Quốc. Sản phẩm đầu tiên của Realme mang tên Realme 1 được phát hành vào tháng 5 với con chip Helio P60 và mức giá chỉ khoảng 210 USD. Realme cũng khởi động trên các kênh bán hàng online thay vì các cửa hàng vật lý như OPPO và Vivo trước đây.
Không khó để nhận ra, Realme nhắm thẳng đến miếng bánh của Redmi và Mi. Và, chỉ trong vòng 1 tháng, Realme đã bán được tới 400.000 chiếc.
Đối đầu trực tiếp
Những thành công nối tiếp thành công. Realme 2 bán được 200.000 chiếc chỉ trong vòng 5 phút. Tháng 3/2019, Realme 3 vượt mặt toàn bộ danh mục Redmi và Mi để trở thành mẫu smartphone bán chạy nhất trên các sàn thương mại điện tử tại Ấn Độ. Trong 5 tháng đầu tại Việt Nam, Realme đã nhanh chóng vươn tới doanh số 116.000 sản phẩm. Đầu tháng 8, lượng smartphone Realme xuất xưởng trên toàn cầu đạt 10 triệu chiếc.
Trong tuần nghỉ lễ tại Ấn Độ (kết thúc ngày 5/10), Realme bán được 2,2 triệu smartphone. Xiaomi hiện vẫn là kẻ đứng trên – cùng một kỳ nghỉ lễ tại Ấn Độ, Xiaomi bán được tới 3,8 triệu điện thoại. Tuy vậy, những cột mốc khổng lồ mà Realme đạt được chắc hẳn đã khiến Xiaomi cay mũi: trước Realme, mua điện thoại phá giá cấu hình chỉ có thể là mua Xiaomi mà thôi. Những gì thuộc về Realme ngày hôm nay lẽ ra đã là của Xiaomi nếu như OPPO không quyết định nhảy vào cuộc chiến cấu hình.
Và những gì diễn ra ngày mai sẽ còn khiến Xiaomi trăn trở hơn nữa. Nguồn sống chính của Xiaomi vẫn đang là smartphone phá giá, một nguồn sống mong manh có thể sụp đổ bất cứ lúc nào. Còn Realme dù theo chân Xiaomi phá giá nhưng vẫn lại là công ty con của OPPO, có OPPO và BKK Electronics đứng sau lưng. Realme có thể không thu lợi nhuận, nhưng chừng nào OPPO và Vivo còn bán chạy, BKK vẫn sẽ dùng Realme để chạy đua cấu hình-giá để đánh bại Xiaomi.
*Theo Theo Trí Thức Trẻ / soha.vn