Kinh nguyệt là ‘người bạn’ quen thuộc của nữ giới, là tấm gương phản chiếu tình trạng sức khỏe. Khi chu kỳ này không đều sẽ ảnh hưởng đến vấn đề rụng trứng và làm tổ của trứng dẫn tới khó thụ thai, vô sinh, hiếm muộn. Việc xác định rõ nguyên nhân sẽ giúp chị em có cách điều trị hiệu quả dứt điểm.
Thế nào là kinh nguyệt không đều?
Kinh nguyệt là hiện tượng chảy máu tử cung dưới ảnh hưởng của sự tụt giảm đột ngột hormone estrogen hoặc estrogen cùng progesteron có tính chất chu kỳ. Đây là điều kỳ diệu, diễn ra mỗi tháng một lần ở người phụ nữ đang trong độ tuổi sinh nở.
Chu kỳ kinh nguyệt được tính từ ngày hành kinh đầu tiên của chu kỳ này đến ngày đầu hành kinh của chu kỳ kế tiếp. Một chu kỳ bình thường sẽ kéo dài từ 28 – 32 ngày, số ngày hành kính từ 3 – 7 ngày với lượng máu kinh là 50 – 80 ml. Nếu chu kỳ của bạn ngắn hơn dài hơn, lượng máu kinh có màu sắc thất thường, lẫn máu cục, có mùi hôi kèm theo, hoặc trước, trong khi hành kinh bị đau bụng… thì được gọi là kinh nguyệt không đều.
Có rất nhiều nguyên nhân gây nên kinh nguyệt không điều hòa như: Thể chất quá yếu, chức năng hệ sinh dục không bình thường, bệnh về máu, tăng huyết áp, bệnh gan, bệnh nội tiết, phá thai, thai ngoài tử cung, chửa trứng, nhiễm trùng đường sinh dục, u xơ tử cung… Các vấn đề này có liên quan trực tiếp để khả năng sinh sản, thụ thai của người phụ nữ, với chị em trong độ tuổi sinh sản nếu chủ quan với chu kỳ này có thể dẫn tới vô sinh, hiếm muộn.
Kinh nguyệt không đều có thể do bệnh phụ khoa và dẫn đến khó mang thai
Sau khi kết hôn một thời gian mà kinh nguyệt không đều, lượng quá nhiều, chu kỳ quá ngắn có thể là do bệnh lý phụ khoa. Khi phát hiện những tình trạng này điều trị có thể cần thời gian lâu, việc có thai cũng bị ảnh hưởng. Cần điều trị sớm, không nên đến khi khó có bầu rồi mới điều trị. Những nguyên nhân chủ yếu bao gồm:
- Nữ giới mắc các bệnh bẩm sinh liên quan đến đường sinh dục, hoặc bị viêm nhiễm ở cơ quan sinh dục.
- Điều kiện làm việc không tốt: Những chị em phải thường xuyên tiếp xúc, làm việc ở môi trường độc hại có chứa các chất hóa học, sinh học hay phóng xạ sẽ có nguy cơ mắc các bệnh về đường sinh dục, trong đó có bệnh lý kinh nguyệt không đều khá cao.
- Do tinh thần không ổn định, khối lượng công việc nhiều, áp lực quá lớn dẫn đến căng thẳng kéo dài, lâu ngày sẽ gây ảnh hưởng đến chu kỳ kinh và dẫn đến không đều.
- Tăng sụt cân đột ngột: Chọn cách ăn kiêng hoặc ăn ít để có một vóc dáng đẹp sẽ dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng, lúc này quá trình bài tiết hormone estrogen và phóng noãn sẽ bị ảnh hưởng. Hệ quả có thể bị kinh nguyệt không đều hoặc mất kinh.
- Tác dụng phụ khi sử dụng thuốc tránh thai, phá thai hay kháng sinh.
- Những phụ nữ hút thuốc và uống rượu sẽ làm rối loạn kinh nguyệt, khiến kinh nguyệt không đều.
- Tuyến giáp hoạt động kém: Khi tuyến giáp hoạt động kém có thể làm tăng hoặc suy giảm quá trình bài tiết prolactin – một hormone sinh sản do tuyến yên bài tiết ra, từ đó làm ảnh hưởng đến tuyến dưới đồi gây nên kinh nguyệt không đều, mất kinh.
- Do mắc một số bệnh phụ khoa: Viêm lộ tuyến cổ tử cung, đa nang buồng trứng, u xơ tử cung,…
Bạn nữ chưa lấy chồng cũng có thể có kinh nguyệt không điều hòa
Các bạn nữ chưa có chồng cũng có thể xuất hiện những triệu chứng kể trên, tuy nhiên với trường hợp này việc điều trị sẽ dễ dàng, thuận tiện hơn. Vì vậy nếu phát hiện những vấn đề liên quan đến sức khỏe kinh nguyệt, nên đi khám và điều trị càng sớm càng tốt, tốt nhất là trước khi kết hôn.
Những người kinh nguyệt không đều vẫn có thể có thai, tuy nhiên với những người này, quá trình mang thai có thể sẽ gặp một số rắc rối không đáng có do nguyên nhân bên trong vẫn chưa được giải quyết. Có thể sẽ gặp một số tình trạng như sảy thai, dọa sảy thai, thai chết lưu… Thậm chí, đứa con sinh ra sức khỏe bị ảnh hưởng không tốt. Không những vậy, nó cũng có thể dẫn đến một số vấn đề khác như nám da, trứng cá, viêm khớp, đau nửa đầu… Vì vậy, cách tốt nhất là nếu có triệu chứng này, các bạn gái nên đi khám và điều trị sớm, giải quyết triệt để các nguyên nhân gây nên tình trạng đó.
Thụy Phong
Theo dkn.tv