Nghiên cứu chứng minh: Ánh sáng đèn LED có thể gây mù lòa

Các nhà khoa học Tây Ban Nha phát hiện, việc tiếp xúc với ánh sáng của đèn LED có thể gây ra những tổn hại không thể chữa trị được đối với võng mạc của mắt người. Cục sức khỏe và an toàn nghề nghiệp (ANSES) cảnh báo, ánh sáng LED mạnh có thể gây ra “ngộ độc ánh sáng”.

Loading…

Đèn LED là một loại diode bán dẫn chuyển đổi năng lượng điện thành năng lượng ánh sáng. So với bóng đèn sợi đốt và đèn xenon, nó được đặc trưng bởi điện áp hoạt động thấp (một số chỉ vài volt), dòng điện hoạt động thấp (một số chỉ có thể phát ra ánh sáng ở một vài milliamp), chống va đập tốt, độ tin cậy cao và tuổi thọ cao, cường độ ánh sáng có thể dễ dàng điều biến bằng cường độ dòng điện đi qua điều chế. Do những đặc điểm này, đèn LED được sử dụng làm nguồn sáng trong một số thiết bị điều khiển quang điện tử và làm tín hiệu hiển thị nhiều thiết bị điện tử.

Đèn LED lâu nay vẫn được ca ngợi như một sự thay thế “siêu” hiệu quả đối với các loại bóng đèn truyền thống vì chúng sử dụng ít hơn tới 85% điện năng và mỗi bóng đèn LED có thể có tuổi thọ tới 10 năm. Công nghệ đèn LED hiện cũng đã được dùng rộng rãi trong các sản phẩm điện thoại di động, tivi, màn hình máy tính và thiết bị chiếu sáng trong hộ gia đình.

Bóng đèn LED trong trang trí. (Ảnh: pixabay)

Đèn LED đắt hơn nhiều so với các loại bóng đèn truyền thống, chẳng hạn như ở Anh, giá một bóng đèn LED công suất 100W vào khoảng 38 USD trong khi một bóng đèn sợi đốt chỉ có giá 1,5 USD. Mặc dù vậy, các nhà sản xuất tuyên bố, người tiêu dùng có thể lấy lại chi phí đầu tư nhờ việc tiêu hao ít năng lượng của đèn LED. Hồi tháng 4 vừa qua, Philips – hãng sản xuất bóng đèn lớn nhất thế giới – công bố đã tăng 38% doanh số bán đèn LED so với năm ngoái.

Nhưng trang Daily Mail đưa tin, cơ quan y tế Pháp vừa công bố, đèn LED gây tổn thương vĩnh viễn cho võng mạc, làm gián đoạn nhịp ngủ tự nhiên của chúng ta. Cơ quan Thực phẩm, Môi trường, Sức khỏe và An toàn Lao động (ANSES) của Pháp cảnh báo rằng ánh sáng LED mạnh có thể gây ra “ngộ độc ánh sáng”.

Trong một báo cáo dài 400 trang, cơ quan này cảnh báo rằng đèn LED có thể gây ra thiệt hại không thể phục hồi cho các tế bào võng mạc và cuối cùng dẫn đến mù lòa. ANSES kêu gọi các quan chức sửa đổi giới hạn phơi sáng tối đa của đèn LED và giảm lượng “ánh sáng xanh” trong đèn LED.

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng điện thoại LED, máy tính bảng và màn hình máy tính xách tay không gây hại cho mắt, nhưng ánh sáng mạnh cho đèn pha ô tô có thể làm hỏng mắt của chúng ta. Báo cáo phân biệt giữa ‘phơi nhiễm cấp tính’ của đèn LED cường độ cao và ‘phơi nhiễm mãn tính’ các nguồn sáng cường độ thấp. Cơ quan này cho biết, mặc dù rủi ro là thấp, nhưng việc tiếp xúc lâu dài với nguồn ánh sáng này cũng có thể đẩy nhanh sự lão hóa của mô võng mạc và dẫn đến giảm thị lực.

Các sản phẩm đèn LED có độ bền cao, tiết kiệm năng lượng và ít tốn kém, đã thống trị hầu hết thị trường chiếu sáng trong thập kỷ qua. Các chuyên gia trong ngành dự đoán rằng thị phần của sản phẩm này sẽ tiếp tục mở rộng, và sẽ vượt quá 60% vào cuối năm tới.

Tiếp xúc lâu với ánh sáng xanh của đèn LED gây ảnh hưởng thị giác và có thể dẫn tới mù lòa. (Ảnh: phodenled.com)

Chính phủ Anh đã công bố kế hoạch loại bỏ hoàn toàn bóng đèn sợi đốt năm 2007 sau khi Liên minh châu Âu (EU) ban hành lệnh cấm dùng chúng. Bóng đèn sợi đốt công suất 100W là loại đầu tiên bị khai tử năm 2009. Các bóng đèn truyền thống với công suất thấp hơn đang tiếp tục bị loại bỏ dần dần.

Lệnh cấm trên từng gây ra sự công phẫn trong dân chúng do người tiêu dùng phải chi nhiều tiền hơn cho việc lắp đặt những bóng đèn không chỉ cho ánh sáng “lạnh lẽo” khó chịu, mà còn khiến một số người gặp phải các triệu chứng như đau đầu và mẩn ngứa da.

Tiến sĩ Celia Sánchez-Ramos đến từ Đại học Complutense ở Madrid và là người đứng đầu nhóm nghiên cứu Tây Ban Nha, lý giải rằng, ánh sáng của các đèn LED bắt nguồn từ dải màu xanh lam và tím, vốn có năng lượng cao và sóng ngắn của quang phổ nhìn thấy được.

Theo bà Sánchez-Ramos, việc tiếp xúc liên tục và kéo dài với dạng ánh sáng này có thể đủ để gây hại cho võng mạc của mắt người. Võng mạc cấu tạo gồm các tế bào nhạy cảm ánh sáng, chịu trách nhiệm phát hiện ánh sáng và cho phép con người nhìn thấy xung quanh.

“Vấn đề trở nên ngày càng nghiêm trọng vì con người đang sống thọ hơn và trẻ em sử dụng các thiết bị điện tử từ khi còn nhỏ tuổi, đặc biệt do yêu cầu của việc học hành. Mắt người không có cấu tạo nhìn trực tiếp ánh sáng, mà quan sát được vạn vật nhờ ánh sáng”, tiến sĩ Sánchez-Ramos cho biết trên trang ThinkSpain.com. Phát biểu của tiến sĩ Sánchez-Ramos một phần dựa vào nghiên cứu của bà năm 2012, đã được đăng tải trên tạp chí Photochemistry and Photobiology. Nghiên cứu này khám phá ra rằng, bức xạ của đèn LED gây tổn hại đáng kể đến các tế bào biểu mô sắc tố võng mạc.

Một số chuyên gia đã lên tiếng kêu gọi trang bị thêm cho đèn LED các thiết bị lọc giúp loại bỏ ánh sáng chói màu xanh lam.

Đây không phải là lần đầu tiên các loại bóng đèn tiết kiệm năng lượng bị chỉ trích vì những mối lo do an toàn. Đèn huỳnh quang compact (CFL) cũng từng bị công kích vì chứa hàm lượng thủy ngân cao cũng như khả năng phát xạ tia cực tím.

Một nghiên cứu do Đại học Antwerp tiến hành hồi đầu năm nay phát hiện, ánh sáng đèn LED đã tẩy trắng sơn trên các tác phẩm của hai danh họa Van Gogh và Cézanne.

Kiên Định
Nguồn tham khảo: soundofhope.org / dkn.tv

Loading…