Loạt bài Người Việt không xấu xí của chuyên mục Văn hóa – Đại Kỷ Nguyên hy vọng sẽ mang tới làn gió mát lành giữa những trăn trở về hình ảnh ngày nay của người Việt Nam. Chúng tôi muốn cung cấp cho độc giả những góc nhìn khác, những tấm gương người Việt tuyệt đẹp trong nhân cách và lối sống. Để từ đó cùng nhau thực hành, lan tỏa những nét văn hóa tốt đẹp.
Giữa những nỗi tủi hổ của dân tộc và sự chỉ trích lẫn nhau, một gợn nước nhỏ bé hy vọng sẽ trở thành cơn sóng lớn cuốn trôi những gì được đặt tên là xấu xí trong tác phong, lối sống của người Việt hiện đại. Thay vì cứ nói mãi về những điều chưa được, chúng ta hãy cùng thực hành với sự rộng lượng và đốc thúc lẫn nhau. Bởi cái xấu chỉ có thể bị đẩy lùi bởi cái Thiện.
***
Gió lạnh đầu mùa thường sẽ khiến người ta thấy lạnh hơn hẳn, bởi vẫn còn quen với tiết trời mát nhẹ của mùa thu, bởi không có sự đề phòng và thói quen mặc đồ chưa kịp thay đổi. Với những người nghèo khổ lầm than trong giá rét, cái lạnh đầu mùa còn lạnh hơn “vì mùa đông sắp tới, mùa đông lạnh giá và lầy lội trên lưng họ cái màn lặng lẽ của sương mù” (trích tác phẩm Gió lạnh đầu mùa của Thạch Lam).
Nhiều người trong chúng ta chắc cũng giống như Sơn trong “Gió lạnh đầu mùa”, được nhà văn Thạch Lam miêu tả là một đứa trẻ may mắn khi được thức dậy trong cái tung chăn ấm áp, được sưởi tay bên lò sưởi, được mẹ và chị chăm lo cho từng “chén chè nóng ấp vào mặt, vào má cho ấm”. Và không chỉ như Sơn có đến những hai chiếc áo rét cực dày – một biểu hiện của sự no đủ vào cái thời đó, nhiều người trong chúng ta chắc đều có trên hai chiếc áo đại hàn cho mùa đông vơi lạnh.
Thế nhưng ở ngoài kia, trên những con phố rét mướt đến tê người của mùa đông miền Bắc, miền Trung, vẫn có những thân phận đang lầm than trong đói rét bế tắc của cuộc đời. Mùa đông đối với họ càng khắc nghiệt hơn nữa khi trên thân chỉ vỏn vẹn chiếc áo cộc tay không lành lặn. Thạch Lam xưa đã từng mong được gửi một “chút âu yếm, một chút tình thương” để “nâng đỡ, an ủi” những con “người cùng khốn” trong xã hội. Ông đã thực hiện điều đó trong “Gió ấm đầu mùa” thông qua chiếc áo ấm vốn là kỷ vật của em gái đã mất mà Lan và Sơn mang tặng cho Hiên, thông qua việc mẹ Sơn cho mẹ cái Hiên vay 5 đồng để may áo rét cho con.
Bao năm đã qua, người ta nói đời sống đã đi lên, mức sống đã được cải thiện, nhưng vẫn còn đó những phận người nghèo đói, thiếu ăn, thiếu mặc. Người ta điên cuồng trong những vòng xoáy danh lợi, ai ai cũng phải lo làm ăn, thăng tiến, những phận người nhỏ bé lại càng nhỏ bé, cô độc hơn. Nhưng hơi ấm của “Gió lạnh đầu mùa” vẫn lan tỏa, đâu đó ngoài kia và đáng mừng là nó được xã hội chú ý, ca ngợi và khiến nhiều người lắng lại, suy nghĩ một chút và có thể sẽ khiến họ hành động.
Những ngày cuối tháng 11 se lạnh, trên fanpage Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội đăng tải video quay lại cảnh một cô gái trẻ tặng chiếc áo ấm cho cậu bé đánh giày trong thời tiết 16 độ C của miền Trung nhận được sự chú ý của cộng đồng. Trong đoạn video ngắn, cô gái bước xuống xe mặc áo cho cậu bé đánh giày, vừa kéo khóa áo vừa nói bằng giọng thấm mệt: “Kiếm được em rất khó khăn luôn ý”.
Không lâu sau khi đoạn video lan rộng, người ta đã tìm ra cô gái này là Phan Minh Anh, sinh năm 1999, quê Hà Tĩnh. Minh Anh kể lại với Tuổi trẻ online rằng hôm đó đang trên đường tới lớp học tiếng Anh, cô và người anh họ thấy cậu bé đánh giày ngồi co ro, hai tay run vì lạnh nên không thể kìm lòng.
“Em ghé lại hỏi han và biết được hoàn cảnh em ấy rất khó khăn, mồ côi cả cha lẫn mẹ. Em cho em ấy 20.000 đồng, sau đó đi tìm shop bán quần áo để mua áo ấm cho cậu bé. Tuy nhiên, lúc quay lại không thấy em ấy đâu. Hai anh em chia nhau ra tìm quanh đó một lúc mới thấy. Tìm thấy cậu bé, em vừa mừng vừa xót” , Minh Anh chia sẻ lại.
Ước mong của Thạch Lam và những người nhiều lòng trắc ẩn đang dần mất niềm tin vào con người đã được hiện thực hóa. Không đi lướt qua và hơi nhíu mày xót thương cho những mảnh đời bất hạnh, không chỉ chạnh lòng thương xót nhưng lại vội vàng bước đi bởi những bận rộn của đời sống, cô bé 18 tuổi dừng lại, hỏi han chia sẻ và còn bỏ bao thời gian tìm kiếm cậu bé nghèo khổ để đưa chiếc áo ấm cho em.
“Với lòng ngây thơ của tuổi trẻ, chị Lan hăm hở chạy về nhà lấy áo. Sơn đứng lặng yên đợi, trong lòng tự nhiên thấy ấm áp vui vui” (trích “Gió lạnh đầu mùa” – Thạch Lam).
Chắc cũng như Lan và Sơn, Minh Anh cảm thấy được một niềm hạnh phúc nhỏ bé, nhẹ nhàng nhưng trấn động, đủ để em sẽ có những hành động tuyệt đẹp khác nữa trong cuộc đời. Cô bé 18 tuổi dù là một “tín đồ” trà sữa, nhưng đã đưa ra quyết định: “Thay vì uống 3 cốc trà sữa một tuần, em chỉ uống 2 cốc. Số tiền còn lại em sẽ để dành và giúp cậu bé hoặc những hoàn cảnh khó khăn khác”. Một suy nghĩ có vẻ là ngây ngô đối với một số người, nhưng nó chân thực hơn mọi dự định sẽ làm từ thiện nào đó của những người đang lướt nhanh trên phố lạnh mùa đông.
“Tôi đem tâm nghĩ ngợi đến những cơn gió đột khởi của lòng người, báo trước những sự thay đổi trong cái bí mật của tâm hồn” – (Trích “Gió lạnh đầu mùa” – Thạch Lam)
Bạn có bị thôi thúc phải có những đổi thay trong tâm hồn và trong hành động trước câu chuyện của Minh Anh và cậu bé đánh giầy? Bạn có thấy đâu đó trong mình những “cơn gió đột khởi” sẵn sàng cho những hành động thơm thảo? Có cảm nhận được sự ấm áp rất hiện thực ngay trước ngưỡng cửa của một mùa đông giá buốt?
Tôi đã thấy một sự đột khởi không ồn ào nhưng đủ trấn động, tôi muốn chia sẻ nhiều hơn, quan tâm nhiều hơn bằng hiện thực không tính toán và lo sợ. Gạt qua nỗi lo rằng mình có thể bị lợi dụng khi làm việc thiện giúp người, rằng người nhận có thể không xứng đáng, rằng người ta sẽ bảo mình muốn thu hút chú ý (như nhiều người đã nghi ngờ Minh Anh muốn nổi tiếng trên mạng xã hội nên mới làm vậy).
Bởi việc tốt là để làm, không phải để kể, càng không phải để người khác đánh giá mình.
Thu Hiền
Theo dkn.tv