Trong cuộc sống chúng ta thường nghe người khác nói: “Tôi nhận thức thế này, thế kia…”. Nhưng có khi nào chúng ta đặt câu hỏi rằng nhận thức là gì? Và trước một sự kiện bất kỳ, làm sao để chúng ta vẫn có được thông tin chính xác cũng như nhận thức khách quan?
Về mặt chiết tự
Trước tiên ta hãy cùng xem chiết tự của chữ ‘nhận’. Chữ ‘nhận’ chính thể (認) gồm: Bộ ‘ngôn’ (言) và chữ ‘nhẫn’ (忍). Thể hiện của ‘ngôn’ (言) là lời nói, có chứa thông tin. Còn chữ ‘nhẫn’ (忍) được đặt trong chữ ‘nhận’ cũng không phải ngẫu nhiên. Nghĩa là trước một sự việc nào đó, trước một nguồn thông tin nào đó, v.v. thì người xưa không phán quyết vội vàng mà trước hết cần nhẫn (忍), trầm tĩnh quan sát phân tích thấu đáo rồi mới đưa ra kết luận.
Còn chữ ‘thức’ chính thể (識) gồm: Bộ ‘ngôn’ (言) và chữ ‘thực’ (戠). Chữ ‘thực’ (戠) còn có cách viết là (埴) với ý nghĩa là: Đất thó, đất dính hoặc tụ tập. Như vậy, có thể nói tập hợp liên kết những lời nói (có mang thông tin) nghĩa là ‘thức’ (biết).
Từ những phân tích trên ta có thể hình dung cách mà người xưa ‘nhận thức’, nhận biết một sự việc hay hiện tượng. Với một thông tin nào đó, người xưa sẽ trầm tĩnh, nhẫn nại, thu thập thông tin đầy đủ rồi mới đưa ra kết luận, nghĩa là đưa ra nhận thức của mình.
Người xưa cẩn trọng như vậy nên mới tránh được những điều hiểu lầm không đáng có. Nhưng ngày nay, khi mạng thông tin quá phát triển, internet hầu như phủ sóng toàn cầu, chúng ta lại đứng trước quá nhiều luồng thông tin, nên cũng rất dễ rơi vào tình huống dù có nhiều thông tin nhưng lại không có năng lực gạn lọc mà lại đưa ra kết luận quá vội vàng.
Người ta thường tin những gì các kênh truyền thông nói. Nhưng liệu các kênh truyền thông có đủ “đạo đức nghề nghiệp” để đưa ra kết luận xác đáng hay không?
Ba câu chuyện về “một nửa sự thật” dưới đây có thể sẽ cho ta một cái nhìn về việc đó:
Câu chuyện tài xế xe khách với câu nói: “Chết mấy người tôi cũng phải lùi”
Trưa ngày 19/8, một chiếc xe khách giường nằm trên đoạn đường qua thị trấn Hà Trung (Thanh Hóa) mất lái đâm vào rào chắn tàu hỏa bên đường. Những gì diễn ra sau đó gay cấn, nghẹt thở nên thông tin ngay lập tức đã phủ kín mặt báo.
May mắn không có hành khách hay người đi đường nào bị thương, nhưng câu chuyện không chỉ dừng ở đó. Ngày tiếp theo, nhiều trang báo lại đồng loạt đưa tin với những tiêu đề, đại loại như: “Tài xế xe giường nằm bị đâm thủng kính nói ‘chết mấy người tôi cũng phải lùi’”, “Xe khách lao thẳng đường ray: Câu nói thản nhiên của tài xế”, v.v.
Cũng chưa rõ lỗi của người tài xế cụ thể là ở đâu, càng không rõ câu nói “chết mấy người tôi cũng phải lùi” của ông là có ý gì. Nhưng cách nhiều kênh truyền thông đưa tin theo lời anh tài xế taxi với cụm từ “thản nhiên nói” đã khiến người ta ngay lập tức cho rằng ông coi thường mạng sống hành khách.
Có thể người tài xế nghĩ thanh chắn tàu xuyên qua xe sẽ làm vài người chết, nhưng nếu không lùi thoát khỏi đường tàu thì toàn bộ hành khách trên xe sẽ chết. Vậy nên trong lúc cấp bách, ông mới phát ngôn: “Chết mấy người tôi cũng phải lùi”.
Trớ trêu thay là cái thanh gác ở đằng sau cũng lại đâm vào xe và cố định chiếc xe lại, nên lúc này, sau khi đã ưu tiên xử lý tránh tình huống tồi tệ nhất không được, tài xế mới mở cửa cho hành khách tháo chạy. Nhưng để 30 con người thoát khỏi xe trước khi tàu đến thì liệu có kịp?
Đây chỉ là những suy diễn theo tư duy thông thường của một người lái xe ô tô, chẳng ai biết chắc suy nghĩ thật sự của tài xế xe khách lúc đó. Nhưng chính bởi vì chúng ta không thể biết chắc, nên càng không thể lan truyền thông tin vô trách nhiệm.
Báo chí có thể đã trích dẫn lời lái xe taxi có mặt tại hiện trường một cách trung thực nhất. Nhưng cũng có thể anh tài xế taxi đã hơi cảm tính, mà người làm báo lại đưa câu nói có thể làm tổn thương người tài xế xe khách như vậy lên tít bài để thu hút độc giả thì đó chẳng phải là một việc làm thiếu suy xét và thiếu trách nhiệm, thậm chí có thể nói là thiếu đạo đức nghề nghiệp hay sao?
Câu chuyện y sĩ bị nghi truyền HIV cho cả làng
Truyền thông mới đây đã gây hoang mang cho người dân bằng loạt bài giật tít kích động sự phẫn uất: “Y sĩ nghi lây nhiễm HIV cho cả làng vì dùng chung kim tiêm”. Tất cả chỉ từ… một mối nghi ngờ. Vậy mà hơn 50 trang báo cùng gần 10 kênh truyền hình đồng loạt đưa tin khiến nỗi kinh hoàng lan rộng, trước khi tính chân thực của nó được xác minh.
Và điều kinh khủng nhất là cách đưa tin của một số kênh truyền thông, thậm chí cả những kênh truyền hình lớn đã vi phạm đạo đức nghề nghiệp và đạo đức làm người cơ bản nhất.
Đến khi tìm hiểu thêm, hóa ra làng bên cạnh còn có tỷ lệ nhiễm HIV cao hơn cả làng của anh y sĩ. Rồi những người dân làng cũng đứng lên nói rằng tận mắt thấy anh có thay kim tiêm mỗi lần khám cho người bệnh mới. Lúc này dư luận mới bớt khắt khe với gia đình anh hơn.
Nhưng gia đình anh cũng phải chịu sự phán xét của cả những con người thật ngoài xã hội chứ không chỉ là những lời thóa mạ ở trên mạng.
Sự việc có mức độ nghiêm trọng cao vì nó liên quan đến tính mạng của 42 con người. Nhưng trước khi kết luận chính thức được đưa ra, thì vội vàng phán xét lại vô tình trở thành tội ác.
Ở bên kia bán cầu cũng có câu chuyện về đạo đức truyền thông…
Mới đây, dư luận Mỹ xôn xao vì ảnh bìa tạp chí Time, một tạp chí lâu đời và có tiếng nói đã đưa ra thông điệp khiến người xem có thể đánh giá sai sự thật. Một bức ảnh bìa như cho bộ phim kinh dị, với người đóng vai kẻ ác… là chính tổng thống của họ!
Trên màu nền đỏ tươi gợi liên tưởng tới sự nguy hiểm, tổng thống Donald Trump cao lớn lừng lững bình tĩnh nhìn xuống bé gái 2 tuổi Sanchez đang khóc nức nở đầy tội nghiệp. Kèm theo bên cạnh là dòng chữ nhỏ nhưng đủ nổi bật với nội dung đầy mỉa mai: “Chào mừng tới nước Mỹ”.
Bức ảnh gốc được chụp là khi mẹ cô bé đang bị lực lượng canh gác biên giới bắt giữ, bà mẹ này lúc đó đã được yêu cầu đặt bé Sanchez xuống đất để lực lượng chức năng kiểm tra người. Có lẽ hoàn cảnh gấp gáp và căng thẳng lúc đó của mẹ đã khiến cô bé sợ hãi khóc lớn.
Nhưng hình ảnh trên bìa của tạp chí Time lại là “đoạn chương thủ nghĩa”. Time đã phản ánh rằng cô bé bị tách ra khỏi mẹ mình như để củng cố thêm tiếng nói trong việc phản đối chính sách chia tách trẻ em nhập cư khỏi gia đình tại biên giới của ông Trump.
Và câu chuyện đằng sau bức ảnh của ông không phải giống như cách Time lèo lái và gây hiểu lầm.
Chính cha của bé gái, ông Denis Javier Varela Hernandez cũng khẳng định cô bé và mẹ vẫn ở chung với nhau chứ chưa bao giờ bị tách ra như tạp chí Time phản ánh.
Khi có thể kết luận chắc chắn và kết luận đó nhằm hướng tới những giá trị tốt đẹp cho xã hội thì truyền thông mới có thể sử dụng quyền dẫn dắt dư luận của mình.
Cho đến nay, nhiều kênh truyền thông không trung thực của Mỹ vẫn đưa những tin gây hiểu lầm về chính sách nhập cư của ông Trump kể từ khi diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ và liên tục cho tới bây giờ.
Vậy, người xưa khi đối diện với những thông tin mà chính mình mắt thấy tai nghe thì đối xử như thế nào?
Xin mạn phép được lấy câu chuyện về Đức Khổng Tử:
Chuyện kể rằng khi Khổng Tử và các môn đệ đi chu du khắp nơi, có một năm mất mùa đói kém, lương thực rất đắt đỏ. Một hôm, Nhan Hồi đang nấu cơm ở nhà bếp, Khổng Tử vừa hay đi qua, ông nhìn thấy Nhan Hồi đang bốc một nắm cơm cho vào miệng. Lúc đó Khổng Tử rời đi và không nói gì. Nhưng khi đi ra khỏi nhà bếp, Khổng Tử trong bụng đầy hoài nghi: “Nhan Hồi là người chính trực chân thành nhất, tại sao trò ta lại có thể làm một việc như vậy được?”.
Đến giờ ăn Khổng Tử giả bộ như không có chuyện gì nói: “Cảm tạ ân đức của thiên thượng, chúng ta hãy mang cơm này cúng thần linh trước”. Lúc đó Nhan Hồi vội vàng ngăn lại nói rằng không được, vì cơm này anh ta đã ăn trước rồi. Khổng Tử hỏi nguyên do, Nhan Hồi kể rằng khi nấu cơm có tro rơi vào nồi làm bẩn cơm, nhưng lại thấy vứt cơm đi thì tiếc, nên anh đã ăn hết chỗ cơm bẩn. Nghe xong câu chuyện của Nhan Hồi, Khổng Tử cảm thấy hổ thẹn vô cùng…
Thế mới thấy rằng, khi người xưa gặp một sự việc nào đó, họ có một khoảng hòa hoãn để suy nghĩ thấu đáo chứ không vội đưa ra kết luận. Nếu Đức Khổng Tử khi thấy điều ấy mà bắt lỗi thì thật oan uổng cho Nhan Hồi.
Điều bạn thường nghe thấy chưa hẳn đã là sự thật
Tự do thông tin là nguồn gốc của tự do tư tưởng và phán đoán độc lập. Nhưng lời nói dối lặp lại một nghìn lần sẽ trở thành lời nói thật.
Khi thông tin một chiều được lặp đi lặp lại, cứ nghe mãi bạn sẽ tin đó là sự thật. Và bạn hầu như không muốn tìm hiểu nguồn thông tin thứ hai, thứ ba,…
Nhưng tư duy của một người chính thường trong xã hội bình thường thì không như vậy. Khi muốn biết thông tin về sự việc nào đó, thì họ tìm ít nhất hai nguồn thông tin để so sánh, đối chiếu. Cộng với những khái niệm về Đúng-Sai, Thiện-Ác, lương tâm, những giá trị quan phổ quát như Chân – Thiện – Nhẫn, Nhân – Nghĩa – Lễ – Trí – Tín, v.v. để có được kết luận cho riêng mình.
Thế nên khi có một thông tin nào đó, ta chưa vội đưa ra kết luận mà hãy thật bình tĩnh, lý trí, tìm hiểu thật rõ ràng các nguồn thông tin rồi mới đưa ra “nhận thức” cho riêng mình!
Gió Đông
Theo dkn.tv