Có rất nhiều bài văn của các em học sinh gây sốt mạng xã hội vì cảm xúc chân thật, khiến người đọc nghẹn ngào, bật khóc.
Văn học là một môn trừu tượng, gắn liền với cảm xúc, tâm trạng của người viết. Để viết ra những dòng văn hay, người viết cần phải có tâm hồn bay bổng, cũng như tình cảm phong phú.
Trước giờ, có rất nhiều bài văn của các em học sinh gây sốt mạng xã hội vì cảm xúc chân thật, khiến người đọc nghẹn ngào, bật khóc.
Nhưng bên cạnh đó, không ít bài văn gây sốt bởi sự hài hước, ngô nghê của người viết.
Bài văn tả mẹ của học sinh lớp 6 khiến thầy giáo bật khóc
Tháng 8/2017, một học sinh lớp 6 đã làm văn tả mẹ trong giờ kiểm tra. Môn Văn thường hiếm có điểm 10, nhưng học sinh này đã làm được điều đó. Không chỉ vậy, thầy giáo còn để lại lời phê: “Thầy đã khóc khi đọc xong dòng đầu tiên”.
Được biết, đề bài là: “Hãy viết một bài văn về mẹ của em” và bài văn của bạn học sinh như sau:
“Em xin lỗi. Em chỉ là đứa trẻ mồ côi.
Em sinh ra không được may mắn như bạn bè cùng trang lứa. Vì sinh ra em, mẹ em đã ra đi trong sự dày vò của căn bệnh ung thư hiểm ác. Em chỉ thấy mẹ qua giấc mơ, lời bố kể và bức ảnh đen trắng được đặt trên bàn thờ.
Trong trái tim em, mẹ luôn là người phụ nữ đẹp nhất thế gian, mặc dù chỉ qua tưởng tượng”.
Bài văn này sau đó đã nhận được bão like, share từ cộng đồng mạng. Giống như người thầy, ai nấy đọc xong bài văn đều thấy ướt nhòe khóe mắt.
Bài văn tả mẹ nhưng lại ra bố của học sinh lớp 5
Bài văn này là của bé Phạm Gia Huy, học sinh lớp 5A5, trường tiểu học Lê Quý Đôn, Nam Từ Liêm, Hà Nội. Theo chia sẻ của anh Phạm Gia Trí, bố cháu bé thì bài văn này được Gia Huy viết vào sinh nhật anh hồi tháng 8 năm ngoái.
Anh Trí là gà trống nuôi con. Sau khi đọc bài văn chủ đề: “Mẹ trong tâm trí con” mà bé Huy viết tặng mình, anh đã không kìm được nước mắt.
Nội dung bài văn như sau:
“Em là học sinh lớp 5, rất khỏe mạnh và hiểu biết rất nhiều điều. Ngoài việc em nỗ lực học tập, còn nhờ công chăm sóc rất chu đáo, sự dạy dỗ của mẹ em.
Năm nay mẹ em đã bốn mươi mốt tuổi. Nhan sắc của mẹ không đẹp, nước da rám nắng.
Đôi mắt mẹ đen láy, thể hiện sự thông minh của mẹ. Mái tóc của mẹ đen như gỗ mun, được cắt ngắn rất gọn gàng. Dáng người mẹ tầm thước. Mẹ hiện đang làm việc ở Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam.
Mẹ không giỏi nấu nướng, làm việc nhà, chăm em bé nhưng vì thương con, mẹ đã học hỏi và vượt qua những khó khăn đó. Năm ấy, em gái em mới hai tuổi, rất hay ốm đau. Nhiều đêm mẹ phải thức trắng để trông em.
Mẹ là trụ cột gia đình, nên ngoài việc làm ở nhà xuất bản, mẹ còn phải làm rất nhiều công việc khác.
Nhiều đêm, mẹ phải thức đến hai, ba giờ sáng để làm việc. Thương mẹ em nghỉ các lớp học thêm và hứa với mẹ tự học và học giỏi để giảm bớt gánh nặng kinh tế cho mẹ.
Tuy bận nhiều công việc nhưng mẹ luôn quan tâm đến việc học của em, nhắc nhở em làm bài đầy đủ. Những ngày khai giảng hoặc ngày hội của trường, mẹ đều có mặt.
Mẹ còn chụp ảnh cho em để làm kỷ niệm. Trong cuộc sống hàng ngày, mẹ rèn em cách ăn nói, cử xử với ông bà, cô dì, chú bác, các anh chị và bạn bè. Vào ngày chủ nhật, mẹ đưa chúng em đi ăn sáng, đi chơi.
Vào dịp nghỉ hè, mẹ cho chúng em đi nghỉ mát, về quê nội, quê ngoại. Mẹ rất thương em gái em nên sáng nào mẹ cũng dậy sớm, cho em ăn và đưa em đi học.
Đêm đến, mẹ ôm hai anh em, ba mẹ con cùng hát ru bài “Bé ơi, ngủ ngoan. Chẳng mấy chốc ba mẹ con đã chìm vào giấc ngủ.
“Dù con đếm được cát sông.
Cũng không đếm được tấm lòng mẹ cha”.
Qua hai câu thơ trên, em luôn ghi lòng tạc dạ tình yêu của mẹ đối với em. Nhưng người mẹ em kể trên không phải là mẹ em mà là bố em.
Ngày mẹ em rời bỏ em, em thấy đất trời như sụp đổ, em là người bất hạnh nhất.
Lúc đó em mới học lớp hai, em gái em hai tuổi. Bố em là người vĩ đại nhất. Bố đã yêu thương, che chở cho em vượt qua những ngày giông bão ấy.
Bố vừa là bố vừa là mẹ. Bố có sự dịu dàng chu đáo của mẹ lại có tính nghiêm khắc, bao dung của bố.
Những ngày đau khổ đã qua. Năm nay em học lớp 5, em gái em đã vào lớp 1. Bình minh đã trở về với bố con em, em đã thấy bố cười rất tươi.
Bố ơi, con yêu bố! Ngày 18 tháng 8 là ngày sinh nhật bố. Con chúc bố mạnh khỏe, vui vẻ, hạnh phúc bên chúng con!”.
Được biết, anh Trí đã một mình nuôi hai con nhỏ suốt 3 năm qua. Sau khi nhận được món quà của con, anh đã bật khóc và chụp ảnh, lưu giữ lại làm kỷ niệm.
Bài văn ví mẹ như cơn lốc
Bài văn hài hước này được thành viên Tạ Văn Khôi đăng tải trên diễn đàn: “Chúng tôi yêu giáo dục Tiểu học” và lập tức gây sốt cộng đồng mạng. Nội dung bài văn như sau:
“Mẹ em tên Hiền. Mẹ không xinh lắm nhưng bác bán thịt lợn đầu ngõ vẫn phải ngước nhìn.
Mẹ rất chăm chỉ. Ngày nào mẹ cũng làm việc từ tinh mơ đến khi chiều tối. Nếu mẹ của bạn Trần Nhật Minh là ngọn gió thì mẹ em là cơn lốc.
Mẹ về đến nhà là cuốn sạch cái sân đầy lá mít cùng sỏi đá lẫn trái sấu non mà chúng em bày ra ban chiều. Mẹ cuốn đàn lợn vào giấc ngủ sâu êm đềm, quần áo lấm lem bùn đất vào chậu giặt.
Tóm lại mẹ có thể cuốn tất cả trừ một người lúc nào cũng say mèm là bố em.
Mẹ rất khéo tay. Luống rau mẹ cuốc chẳng cần gieo hạt gì sau dăm hôm đã mọc đầy những ngọn rau dền cơm. Rau dền cơm mẹ nấu có kèm vài ngọn rau sam ngon lắm!
Ngoài canh rau, mẹ còn biết luộc trứng, luộc cả thịt. Món luộc của mẹ chẳng bao giờ bị mặn cả. Ngon lắm!”.
Có thể nói những lời chia sẻ trong bài văn đều vô cùng chân thực, sinh động. Chính điều này đã làm nên sự hài hước cho cả bài văn, khiến người đọc không sao nhịn được cười.
Bài văn tả mẹ như con khủng long
Một bài văn siêu hài hước khác cũng từng làm mưa, làm gió khắp mạng xã hội vào năm 2014.
Theo đó, khi được giao viên yêu cầu: “Tả người thân trong gia đình”, một em học sinh lớp 4 đã tả lại cảnh mẹ đánh đòn mình như sau:
“Hôm đó, mẹ em tặng cho em hai quả tét vào mông. Thì ra, cô giáo đã nói với mẹ em là:
– Chị ơi, con chị (giờ nào cũng xin cô đi xì mũi thôi) học tiếng Việt kém lắm.
– À, thế à! Mẹ em đáp lại với vẻ mặt như một “con sư tử Hà Đông”.
Lúc đánh em, mặt mẹ em như con “khủng long” đang định vồ lấy em để ăn thịt”.
Bài văn này sau đó đã nhận được lời phê: “Bài viết chưa phù hợp” từ cô giáo.
Được biết, em học sinh rất thông minh, cá tính và hài hước. Em hay chọc cười các bạn và thân thiết với thầy cô giáo.
*theo Helino / soha.vn