Nơi ấy có tên “Quán của Thời Thanh Xuân”, là mảnh đất thân thiện cho các bạn trẻ khiếm thính học nghề và làm việc. Họ đều có khiếm khuyết về thân thể, nhưng lại tràn đầy sự hồn nhiên và niềm tin vào cuộc sống, vào con người.
Quán bán đồ uống, bánh trái và cả xà bông, tinh dầu thơm do các bạn tự làm. Tất cả được làm ra từ tấm lòng chân thành và tình yêu trong sáng. Có bạn làm bánh bằng những nguyên liệu chất lượng nên chi phí cao quá, đến nỗi mấy anh chị phụ trách kinh doanh phải “khóc ròng”. Nhưng dù thế nào thì “bánh em làm mỗi ngày, để nóng hơn một chút, ngon hơn một chút, để khách chúng ta được vui” – (Nguồn: Facebook Quán của Thời Thanh Xuân).
Đến quán, bạn chỉ cần chỉ vào thực đơn để chọn đồ, rồi khi trả tiền thì tự cho vào một cái hòm tùy theo mức độ trải nghiệm và cảm nhận của mình. Giá thì cũng đã được niêm yết rồi, nhưng muốn đưa nhiều hơn hay ít hơn thì là ở bạn.
Vì là quán của các bạn khiếm thính, nên để tránh sự tổn thương hay những đối lập không đẹp đẽ, khách được yêu cầu hãy nói nhẹ, cười duyên, không ồn ào. Giữa một không gian tĩnh lặng của những người không thể nghe, những nụ cười thay cho lời nói là một sự tôn trọng tối thiểu.
Và cũng bởi đặc thù của các nhân viên ở đây, các anh chị điều hành quán đã có những ghi chú thật dễ thương như thế này:
Họ tin vào việc “mỗi người nhường nhau một chút” là cách chúng ta cưu mang và sống chung một cách tử tế với nhau. Quán phân biệt người bình thường và người khiếm thính bằng cái tên “Người Nói” và “Người Điếc”. Chúng ta chẳng thể phủ nhận sự khác biệt và ban phát tình thương của mình bằng cách lờ đi sự khác biệt. Sự khác biệt vẫn tồn tại ở đó, nếu đánh đồng tất cả như nhau thì mới là bất công. Thế nên để đến với quán và để quán lấp đầy niềm tin trong bạn, bạn cũng cần phải chịu “thiệt” một chút như phải tự dắt xe hay nói nhỏ thôi.
“Chúng tớ đôi lúc muốn thét lên bởi những khó khăn, bởi những tổn thương, bởi những mâu thuẫn. Để mọi người biết rằng, sống cùng nhau chưa bao giờ là điều dễ dàng, huống hồ gì là Người Nói và Người Điếc. Để bước vào được thế giới của các bạn, chúng ta phải chấp nhận sẽ lấy về một vài vết thương” – (Nguồn: Facebook Quán của Thời Thanh Xuân).
Quán được dựng lên từ tình yêu và niềm tin, nên họ cố gắng duy trì hoạt động dựa trên tình yêu và niềm tin. Có những lúc nhân viên quán ra ngoài hết, họ để lại một tấm biển như thế này:
Quán sẽ mãi luôn hoạt động và ở đó khi bạn cần, chỉ là bạn hãy tự phục vụ và tự trả tiền, bởi chúng tôi tin bạn khi bạn đã tin tưởng và đến với chúng tôi.
Thế nhưng, niềm tin của quán đã bị tổn thương. Hôm mùng 2/10, quán đăng trên trang mạng xã hội của mình về việc bị đập vỡ thùng lấy tiền khi quán không có ai. Không những thể, kẻ nhẫn tâm kia còn khoắng thêm dăm ba món đồ, đến cái hũ muối tôm cũng không tha.
“…Chả ai đang sống trong sung túc, đầy đủ mà làm việc này. Chắc cuộc sống của người đang gặp khó khăn, có vấn đề. Mong là số tiền người lấy đi có thể giúp người giải quyết được rắc rối nào đó. Còn nếu không phải là như vậy, thì việc người không kiểm soát được lòng tham của người sẽ khiến người day dứt trong khoảng thời gian không ngắn. Quán sẽ thấy thương người lắm.
Buồn ghê ha!
Quán được dựng nên, được nuôi dưỡng bằng lòng tử tế của tất cả những Thanh Xuân đến đây. Và Quán chỉ muốn sống bằng lòng tử tế ấy, nhân đôi lên, và lan rộng thêm. Để nơi có chúng ta – là nơi đáng sống.
Quán không muốn báo công an.
Quán không muốn lắp camera ơi hỡi người ơi!
Buồn quá!!”.
Có lẽ người lấy đồ cũng không biết cái niềm tin mà quán đang cố lan tỏa trong xã hội đang mất dần niềm tin này. Người trách cứ, phẫn nộ rất nhiều, bởi họ thấy bất công cho một dự án nhân văn mà lại nhận về những thiệt thòi chỉ vì muốn làm điều tử tế và muốn tin người.
Nhưng quán không trách cứ, còn động viên những “Người Thương” đã bức xúc hộ quán và nói sẽ không thay đổi cách làm chỉ vì một lần bị chà đạp lên niềm tin của mình:
“Quán vẫn sẽ như vậy, vẫn sẽ giữ đúng bản chất của mình trước mọi tác động. Giữ được bản chất của mình trong quá trình trưởng thành mới là cuộc chiến khốc liệt nhất mà tất cả chúng ta đều đang tham chiến. Và so với số ít những người có lòng tham ấy, thì sự tử tế vẫn ngập tràn quanh đây, nó chẳng là gì so với những điều tốt đẹp Quán – Thanh Xuân đã cùng nhau gây dựng. Nên mong những phẫn nộ, buồn, bức xúc ấy sẽ chỉ đến với chúng ta ngày hôm qua. Hôm nay đã là một ngày mới. Việc của chúng ta là tiếp tục nạp năng lượng tích cực, đem nó đi gieo trên mọi nẻo đường ta tới”.
Xấu, ác là việc của người, nhưng tử tế và nhân hậu là việc của quán. Quán không trách nhưng cũng sẽ chẳng thay đổi chỉ để thích nghi và bảo vệ bản thân trước những điều xấu xí. Nếu ai cũng cứ thỏa hiệp để thích nghi, xã hội này sẽ dần chẳng còn niềm tin nữa, người với người đề phòng, hằm hè lẫn nhau thì còn đâu chỗ cho tình yêu phát triển và lan tỏa.
Hay như người ta vẫn nói:
Nếu tâm là bầu trời trong, thì lo gì những đám mây giông.
Ở nơi không lắp camera thì niềm tin và sự tử tế vẫn còn. Ở nơi có những người vẫn còn niềm tin, là nơi đáng sống.
Bỗng có một sự liên kết rất tự nhiên, như kiểu số phận quả thật có khiếu hài hước, mấy hôm trước người ta khui ra việc mấy cán bộ ở Sóc Trăng được chi Ngân sách Nhà nước gần 1 tỷ đồng để lắp camera an ninh. Một nơi làm ra tiền và cưu mang những người khó tìm được sự hòa nhập trong cộng đồng nhất quyết không chịu lắp camera sau khi bị mất trộm. Một nơi là nhà riêng kín cổng cao tường của những người chăm lo cho đời sống nhân dân, nhưng lại thường trực nỗi sợ bị kẻ xấu “hỏi thăm” hay hãm hại.
Tất nhiên, so sánh sẽ khó tránh khỏi khập khiễng. Ta cũng chẳng cần phải so sánh làm gì, cứ đặt nó cạnh nhau và tự nó sẽ nói lên rất nhiều điều. Bởi sự tử tế càng lặng lẽ thì càng dễ đi vào lòng người.
*Theo dkn.tv