Chuyên gia khuyên rằng để sát khuẩn vết thương cho trẻ thì chỉ cần dùng nước muối pha loãng và không nên để nước ôxy già trong nhà, trẻ tự ý dùng sẽ lợi bất cập hại.
Nước oxy già hay dung dịch oxy già (còn gọi là hydrogen peroxid), có mặt trong hầu khắp các cửa hàng thuốc. Vì có khả năng oxy hóa và diệt khuẩn rất mạnh nên trong thực tế nó được dùng để sát khuẩn vết thương, chất tẩy rửa – làm trắng và rất nhiều công dụng khác nữa…
Theo TS-BS Nguyễn Tiến Lý, Phó Giám đốc BV Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Tp.HCM, cồn hay ôxy già dùng trong y tế có tác dụng sát trùng nhưng phải đúng tình huống. Ví dụ, với vết thương bị nhiễm trùng, dùng ôxy già có nồng độ thích hợp để rửa vết thương là rất tốt nhưng ở vết thương mới, dù chúng vẫn sát khuẩn nhưng nếu xét tổng thể thì chưa hẳn là tốt. Thậm chí có thể trở nên nguy hiểm nếu bị nhầm lẫn với các chất khác hoặc bị trẻ em “nghịch dại”.
Dân Trí từng đăng tải một số trường hợp, bệnh nhi 28 tháng tuổi bị mẹ nhỏ nhầm cồn thay cho nước muối sinh lý dẫn đến viêm phổi tại Bệnh viện (BV) Bạch Mai (Hà Nội) khiến nhiều diễn đàn, hội nhóm của các bà mẹ xôn xao. Nhiều phụ nữ cho biết, không ngờ cồn lại có thể gây tác hại kinh khủng đến thế bởi họ vẫn “mua một lúc mấy chai” để sẵn trong nhà và sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau.
“Mùa này mấy đứa nhỏ hay bị tay chân miệng, tôi để 2 chai cồn ngay trên bàn phòng khách và dặn các con mỗi lần đi học về phải dùng chúng để rửa tay. Tôi cứ nghĩ nó là chất dùng trong y tế thì an toàn hơn các loại nước rửa tay sát khuẩn bán ngoài siêu thị” – một phụ huynh chia sẻ trên Facebook.
Một phụ huynh khác thì cho biết con trai chị đã bị dị ứng nghi do dùng cồn. Mỗi lần dùng cồn rửa tay, cảm giác mát dịu khiến cậu bé thích thú và chẳng bao lâu thì cạn sạch cả chai cồn. Đến hôm sau, bé mới than ngứa bàn tay, đến phòng khám da liễu thì bác sĩ (BS) bảo rằng do dị ứng.
Anh N.T.B.C (35 tuổi; ngụ quận Bình Thạnh, TP. HCM) thú thật, giờ anh đã biết “sợ” ôxy già. Anh kể có lần trong lúc dắt xe vào nhà, anh vô tình trượt chân ngã và bị trầy mất một mảng da khá lớn ở đầu gối. Do sợ vết thương nhiễm trùng, lâu lành nên anh mua hẳn mấy chai ôxy già về, ngày nào cũng đổ trực tiếp lên rửa mấy lần. Tuy nhiên một tuần sau, vết thương của anh càng loét thêm, lại hành sốt. Vào BV quận Bình Thạnh, anh mới biết cách xử lý vết thương của mình là hoàn toàn sai lầm.
Dược Sĩ Lê Thị Hồng có lời khuyên trên tờ Sức Khỏe Cộng Đồng, “khi sử dụng dung dịch ôxy già cần hiểu rõ, khi tiêu diệt vi khuẩn tại vết thương thì thuốc cũng tiêu diệt luôn các bạch cầu, tiểu cầu và thậm chí là các mô mới lành, làm cho vết thương lâu lành hơn.
Do đó, nếu để sát khuẩn các vết thương hở rất thường gặp như đứt tay, ngã gây trầy xước da… thì tốt nhất nên sử dụng nước muối pha loãng hoặc rửa sạch vết thương bằng nước sạch rồi sau đó băng lại. Đặc biệt lưu ý, nếu đổ trực tiếp ôxy già lên vết thương như nhiều người vẫn làm, nhất là ôxy già đậm đặc, sẽ làm vón tổ chức da, gây hại cho tế bào da. Hành động đó vừa gây đau đớn vừa khiến vết thương lâu lành, có khi còn gây loét”.
Trường hợp tệ nhất xảy ra khi các bọt khí oxy này xâm nhập vào mạch máu. Ở một tỉ lệ nhất định, những bọt khí này có thể làm tắc nghẽn dòng máu, gây ra đột quỵ, tắc phổi hoặc nhồi máu cơ tim. Năm 1994, một bài báo khoa học đăng trên tạp chí American Journal of Forensic Medicine and Pathology đã ghi nhận một số trường hợp tử vong do sử dụng oxy già khiến oxy thâm nhập vào máu.
Nếu không dùng nước oxy già, bạn nên làm gì để sát khuẩn những vết thương nhỏ? Đơn giản, các chuyên gia khuyên rằng bạn chỉ nên rửa dưới vòi nước chảy, dùng xà phòng nhẹ hoặc nước muối sinh lý.
Bạn nên dành ít nhất 5 phút để làm sạch vết thương, đủ để loại bỏ bụi bẩn, mảnh vụn và vi khuẩn.
Vì vậy, bạn nên hạn chế dùng Oxy già để xử lý nhiều vết thương, và nếu dùng nên tuân theo hướng dẫn ghi trên chai để tránh trường hợp không mong muốn xảy ra và bảo vệ an toàn cho gia đình mình nhé!
*Theo dkn.tv