Sự thật về các loại sữa chua mà nhà sản xuất không tiết lộ

Sữa chua có nhiều dưỡng chất, nhiều canxi, tốt cho tiêu hóa… là điều đã ăn sâu vào tâm thức của nhiều người. Các cơ quan y tế của chính phủ và công ty sữa liên tục nói như thế, nhưng sự thật có chắc chắn là như vậy?

Con người đã bắt đầu biết lên men sữa chua từ hàng ngàn năm trước – ra đời ở bán đảo Anatolia (nay là Thổ Nhĩ Kỳ) từ những năm 3000 – 2000 trước Công nguyên, đến tận thế kỷ 20, nên công nghiệp sữa chua quy mô lớn dần được hình thành. Trong những thập niên từ năm 1919 đến những năm 60 của thế kỷ 20, sữa chua bắt đầu thay đổi hương vị, hướng đến vị ngọt như ngày nay. Sữa chua với thạch trái cây bắt đầu được cấp bằng sáng chế vào năm 1933, và 30 năm sau đó, tức 1963, sữa chua pha trộn ra đời.

Hầu hết chúng ta tin rằng cần ăn sữa chua thường xuyên vì nó rất tốt, nhưng nghiên cứu mới đây của Tây Ban Nha khẳng định đó chỉ là ảo tưởng.

Theo Fox News, mọi người ăn nhiều sữa chua vì tin rằng chúng là loại thực phẩm tốt cho đường ruột và sức khỏe. Nhưng một nghiên cứu của các nhà khoa học Tây Ban Nha đăng trên Medical News Today cho rằng sữa chua không thực sự có những lợi ích này.

Các nhà nghiên cứu đã theo dõi hơn 4.000 người trong 3,5 năm nhưng đã không tìm thấy mối tương quan giữa việc ăn sữa chua và sức khỏe. Nhà nghiên cứu Esther Lopez Garcia nói: “Việc ăn sữa chua thường xuyên không hề có bất kỳ một tác động tốt nào cho sức khỏe tổng thể”.

Sữa chua là một chế phẩm với nguyên liệu là sữa bò, qua thanh trùng và thêm lợi khuẩn (chất lên men), rồi lên men, làm mát và đóng hộp. Nó không chỉ lưu giữ lại tất cả các ưu điểm của sữa, mà ở một số khía cạnh qua quá trình chế biến trở nên phù hợp hơn trong việc tăng cường sức khỏe. Tuy nhiên, bạn có thấy khó khăn khi trên thị trường xuất hiện nhiều loại khác nhau? Tại sao một số loại không cần để lạnh? Tại sao một số loại có tăng cường lợi khuẩn? Bệnh nhân tiểu đường có thể sử dụng không? Dưới đây chính là những sự thật.

Sự thật thứ nhất: Không có lợi khuẩn nào trong các sản phẩm sữa chua sống được ở nhiệt độ phòng bình thường

Một sản phẩm sữa chua đóng gói bằng bao bì giấy Tetra Pak hình lục giác có thời gian sử dụng trong một vài tháng ở nhiệt độ phòng, thực tế là loại sữa chua “tiệt trùng”. Nhà sản xuất làm nóng ở nhiệt độ cao, tiêu diệt tất cả lợi khuẩn Lactobacillus và đóng vào gói Tetra Pak trong điều kiện vô trùng, để vi khuẩn bên ngoài không thể xâm nhập và kéo dài thời gian bảo quản. Do đó, đừng hy vọng chúng sẽ giúp bổ sung lợi khuẩn đường ruột. Có một điều an ủi đó là hầu hết các vitamin nhóm B, canxi và protein không bị giảm.

Trong các loại sữa chua đều chứa lợi khuẩn nhưng không nhất định chúng có thể đi vào đường ruột chúng ta. (Ảnh: sohu.com)

Sự thật 2: Hầu hết các loại sữa chua để lạnh đều chứa lợi khuẩn Lactobacillus, nhưng không nhất định chúng có thể đi vào đường ruột của bạn

Sữa chua là sản phẩm của quá trình lên men sữa động vật bởi một số loại vi khuẩn như: Stretococcus lactic, lactobacillus caucasicus, streptococcus cremoris, nấm men… giúp chuyển đường đa thành đường đơn, giảm độ pH của sữa kéo theo sự đông tụ canxi trong sữa, chuyển hoá một phần casein (đạm trong sữa) thành peptone, axit amin và sản sinh ra chất tạo hương.

Hầu hết các sản phẩm sữa chua có chứa lợi khuẩn Lactobacillus, nhưng chúng không phải là loại có thể đi sâu vào trong ruột già. Chúng chỉ có thể ức chế tác động của các vi sinh vật gây hại trong quá trình nó đi qua dạ dày và đường ruột. Tất nhiên, ngay cả khi bị tiêu diệt bởi axit dạ dày, chúng vẫn có thể tạo ra một số tác dụng điều hòa miễn dịch, bản thân các sản phẩm lên men dễ hấp thu này có thể cải thiện môi trường đường ruột hiệu quả. Do đó, uống sữa chua có lợi cho sức khỏe đường ruột.

Sự thật thứ ba: Người tiểu đường và ăn kiêng có thể ăn sữa chua

Theo kết quả một số nghiên cứu, những người thường xuyên ăn sữa chua nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 thấp hơn. Ngay cả khi ăn sữa chua có đường sau bữa cơm, chỉ số đường huyết cũng phản ứng thấp hơn so với ăn bánh mì và cơm. Ăn một cốc nhỏ (100g) mỗi lần cũng không gây ra biến động mạnh về lượng đường trong máu. Đây là lựa chọn hợp lý hơn để thay thế các món ăn nhẹ như bánh quy không đường. Trên thực tế, trên thị trường còn có những loại sữa chua hoàn toàn không đường phù hợp với người ăn kiêng và tiểu đường.

Sự thật thứ 4: Hormone tăng trưởng

Mặc dù nhiều thương hiệu sữa chua nổi tiếng đã sử dụng những máy móc hiện đại để giảm các chất hormone có trong sữa bò, tuy nhiên vẫn còn sót lại trong quá trình chế biến.

Loại hormone này được sử dụng để kích thích cho những chú bò sữa tăng trưởng nhanh và cung cấp thêm nhiều lượng sữa. Trang Healthy Child Healthy World khuyến cáo, các bậc cha mẹ về sự nguy hiểm của các loại hóa chất với sức khỏe trẻ nhỏ khi sử dụng sữa chua. Nguyên nhân vì chúng thúc đẩy quá trình dậy thì sớm, đặc biệt kích thích một số hormone trong cơ thể dẫn đến nguy cơ phát triển bệnh ung thư trong tương lai.

Kiên Định
Nguồn tham khảo: bannedbook

Theo dkn.tv