Một nghiên cứu cho thấy, tập thể dục ở trạng thái đói giúp kiểm soát đường huyết nhiều hơn là tập thể dục sau khi ăn. Bằng chứng là những người này trở nên “nhạy cảm với insulin”, là dấu hiệu của sức khỏe tốt.
Theo báo Dân trí, nghiên cứu tại các trường Đại học Bath và Birmingham có sự tham gia của 30 nam giới được phân loại là béo phì hoặc thừa cân, được chia thành hai nhóm can thiệp.
Bữa sáng rất tốt nhưng sẽ tốt hơn nữa khi bạn tập thể dục trước đó
Trong 6 tuần, một nhóm ăn sáng trước khi tập thể dục và một nhóm ăn sau khi tập – cũng là nhóm đối chứng. Tất cả các đối tượng đều ăn bữa tối lúc 8 giờ tối hôm trước.
Bữa sáng gồm sữa lắc giàu carbohydrate. Các đối tượng cũng được uống nước giả dược trước hoặc sau khi tập, tùy thuộc vào nhóm họ tham gia.
Bài tập gồm đạp xe ba lần một tuần, được giám sát bởi một nhà nghiên cứu, kéo dài tới 50 phút. Không có nguyên tắc nào xung quanh chế độ ăn của họ ngoài giới hạn thời gian của bữa sáng và bữa tối.
Mẫu mô cơ sau khi can thiệp cho thấy, các cơ của nhóm tập thể dục trước khi ăn đáp ứng với insulin nhiều hơn so với những người tập thể dục sau khi ăn.
Điều này có nghĩa là họ cần lượng insulin ít hơn để giảm chỉ số đường huyết – được gọi là “độ nhạy insulin”. Những người có độ nhạy insulin thấp, hay “kháng insulin”, sẽ cần lượng insulin nhiều hơn và có thể bị đái tháo đường. Nó cũng có thể chỉ ra các vấn đề như huyết áp cao và mức cholesterol cao.
Nghiên cứu cho thấy, cơ bắp của những người trong nhóm tập thể dục khi đói có nhiều protein chủ chốt tham gia vận chuyển glucose từ máu đến cơ. Họ cũng đốt cháy lượng mỡ gấp đôi so với nhóm tập sau khi ăn, nghĩa là họ sử dụng nhiều mỡ làm nhiên liệu hơn vì nồng độ insulin thấp hơn. Điều này không có tác dụng đến việc giảm cân, nhưng sẽ có lợi ích sâu sắc đối với việc sử dụng insulin của cơ thể.
TS. Javier Gonzalez, thuộc Đại học Bath, nói: “Khi chúng ta tập thể dục bình thường, chúng ta sẽ tăng lượng mỡ lưu thông trong máu. Đó là một tín hiệu cho thấy cơ bắp đang thích nghi với tập thể dục”.
Nguyên nhân của bệnh đái tháo đường týp 2
Insulin là một hormon tự nhiên. Tụy của bạn sản xuất và phóng thích nó ra khi bạn ăn. Insulin giúp vận chuyển đường từ dòng máu vào các tế bào khắp cơ thể, nơi nó được sử dụng làm năng lượng.
Nếu bạn bị đái tháo đường týp 2, cơ thể bạn trở nên đề kháng với insulin. Cơ thể bạn không còn sử dụng hormon một cách hiệu quả. Điều này buộc tuyến tụy của bạn phải làm việc nhiều hơn để tạo ra nhiều insulin hơn. Theo thời gian, điều này có thể tổn thương các tế bào ở tuyến tụy. Cuối cùng, tuyến tụy của bạn không thể sản xuất ra insulin nữa.
Nếu bạn không sản xuất đủ insulin hoặc nếu cơ thể bạn không sử dụng nó hiệu quả, glucose sẽ tích tụ trong máu của bạn. Điều này khiến cho các tế bào cơ thể bị thiếu năng lượng.
Nó có thể liên quan đến rối loạn chức năng tế bào tuyến tụy hoặc rối loạn điều hòa tín hiệu tế bào. Ở một số người, gan tạo ra quá nhiều glucose. Có thể yếu tố di truyền tham gia vào quá trình phát triển bệnh đái tháo đường týp 2.
Cũng có yếu tố di truyền đối với béo phì, làm tăng nguy cơ đề kháng insulin và đái tháo đường. Cũng có thể là do yếu tố khởi phát từ môi trường.
Khả năng nhất, đó là sự kết hợp của các yếu tố trên làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường týp 2. Nghiên cứu về nguyên nhân của bệnh đái tháo đường týp 2 vẫn đang được tiến hành.
*Theo dkn.tv