Vi khuẩn Withmore được tìm thấy ở độ sâu gần 1m dưới lòng đất tại khu vực gia đình có 2 con nhỏ tử vong do bệnh này ở Sóc Sơn, Hà Nội. Vi khuẩn này có thể tồn tại ở điều kiện như vậy thì cách nào có thể phòng trách?
Trao đổi với Người Đưa Tin, đại diện Viện dịch tễ Trung Ương cho biết, đã tìm thấy vi khuẩn Withmore ở độ sâu 90cm dưới đất tại khu vực gia đình có 2 con tử vong do bệnh này ở Sóc Sơn (Hà Nội).
Trước đó 2 con nhỏ của gia đình anh C., trú tại xã Bắc Sơn Sóc Sơn, Hà Nội liên tiếp tử vong trong thời gian ngắn, sau đó cả 2 được xác định dương tính với Whitmore. Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hà Nội đã phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương lấy mẫu đất, nước tại các khu vực có nguy cơ cao của hộ gia đình.
“Vi khuẩn này có thể tồn tại ở những độ sâu khác nhau trong đất và nước. Hiện tại cơ quan chuyên môn tiếp tục rà soát khoanh vùng kiểm tra các khu vực xung quanh”, vị này nói.
Thông tin thêm với phóng viên về loại vi khuẩn trên, bác sĩ Quế Anh Trâm, Trưởng khoa bệnh Nhiệt đới, bệnh viện đa khoa Nghệ An cho biết, nhiều khả năng 2 cháu bị lây nhiễm qua nguồn nước nhiễm khuẩn bởi thực tế khi tìm thấy vi khuẩn ở độ sâu tới 90cm thì không thể có chuyện các cháu đào đất sâu như vậy để đùa nghịch.
Những địa phương có loại vi khuẩn này không phải hiếm, chúng có thể ở đồng ruộng, giếng nước, đất cát… Tuy nhiên không dễ dàng để chúng xâm nhập vào cơ thể người. Đa số nguyên nhân lây nhiễm vi khuẩn này là qua các vết xây xát trên cơ thể. Chúng thường tấn công vào những người có hệ miễn dịch yếu như bệnh nhân bệnh tiểu đường.
Những người dân quay khu vực có người bị nhiễm không nên tỏ ra hoang mang hoặc xa lánh. Bởi vi khuẩn đã được tìm thấy ở đó thì những khu vực xung quanh thôn, xóm đó cũng có thể đã nhiễm. Vậy nên cơ quan Y tế, cơ quan chức năng cần xét nghiệm kỹ để khoanh vùng chính xác khu vực nhiễm khuẩn.
“Cách phòng tránh tốt nhất là thực hiện tránh tiếp xúc vết thương hở với những vùng đất, nước ô nhiễm đặc biệt đối với những người có hệ miễn dịch đang suy yếu. Thực hiện ăn chín uống sôi, đây cũng là cách rất đơn giản để phòng tránh nhiềm loại vi khuẩn khác.
Người dân không nên quá hoang mang bởi hiện tại đã có thuốc điều trị dứt điểm nếu được phát hiện kịp thời. Bởi vậy khi có những biểu hiện của bệnh người dân cần đến cơ sở y tế lớn có đủ chuyên môn, thiết bị để phát hiện loại bệnh này”, bác sỹ Trâm khuyến cáo.
TS. Trịnh Thành Trung, Trưởng phòng nghiên cứu khoa học, Viện Vi Sinh vật và Công nghệ sinh học thuộc ĐHQGHN cho hay: “Whitmore (hay còn gọi là bệnh melioidosis) là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do loài vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên.
Whitmore có bệnh cảnh lâm sàng rất đa dạng, tiến triển nhanh và có thể gây tử vong nhanh với tỷ lệ tử vong cao nếu bệnh nhân không được chẩn đoán đúng và điều trị kháng sinh phù hợp. Whitmore có dấu hiệu và triệu chứng lâm sàng đa dạng, khó phát hiện nên thường bị chẩn đoán nhầm thành lao phổi, ung thư phổi, ung thư gan…
TS. Trung cũng khuyến cáo, khi có dấu hiệu nhiễm khuẩn Whitmore, nên đến những cơ sở y tế uy tín, có xét nghiệm vi sinh để chẩn đoán. Một trong những xét nghiệm cuối cùng để chấn đoán có mắc bệnh này hay không đó là xét nghiệm vi sinh.
Khi đã phát hiện ca bệnh, các bác sĩ lâm sàng sẽ có phác đồ điều trị, bệnh nhân cần phải tuân thủ đúng phác đồ điều trị, bởi điều trị bệnh này kéo dài ít nhất 6 tháng.
*Theo nguoiduatin.vn
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/tim-thay-vi-khuan-an-thit-nguoi-gan-1m-duoi-long-dat-lam-sao-phong-tranh-a459153.html