AirPods Pro là bản nâng cấp đáng kể so với AirPods thế hệ cũ, nhưng đi đôi với đó cũng là mức giá cao hơn.
Vậy là sau rất nhiều đồn thổi, Apple đã chính thức trình làng thế hệ AirPods mới với thiết kế và nhiều tính năng mới. Không phải AirPods 3, cũng chẳng phải The New AirPods mà cái tên được Apple lựa chọn là AirPods Pro. Cũng như iPhone Pro, MacBook Pro hay iPad Pro, AirPods Pro có giá cao hơn phiên bản thông thường, cụ thể là 249 USD (so với 159/199 USD của AirPods 2).
Giống như AirPods trình làng 2 năm về trước, thiết kế cực dị của AirPods Pro luôn là tâm điểm mọi sự chú ý của các trang báo, gây sóng gió cộng đồng công nghệ trong suốt những ngày qua. Sự thay đổi đến ngay từ cái nhìn đầu tiên khi Apple từ bỏ thiết kế ear-bud, quay 180 độ sang kiểu in-ear nhét thẳng vào tai cùng phần đuôi chứa pin ngắn “cũn cỡn” khi đặt cạnh chiếc AirPods đời đầu hay AirPods 2 vừa ra mắt không lâu.
Vậy đâu là lý do của sự thay đổi này? Thực tế rất nhiều người dùng yêu thích phong cách ear-bud trên phiên bản cũ, song nhược điểm lớn của nó chính là không thể thay đổi kích cỡ để vừa tai với tất cả mọi người và cũng dễ rơi ra ngoài.
Apple nhanh chóng nhận ra điểm mấu chốt và thiết kế in-ear trên AirPods Pro sẽ giải quyết triệt để vấn đề này. Nó mang lại sự cá nhân hóa tốt hơn với đệm silicon nhét thẳng (và sâu) vào tai, cùng với đó là ba kích cỡ ear-tip khác nhau để người dùng thay đổi phù hợp, đeo vừa và thoải mái nhất.
Thực tế trải nghiệm đeo của tôi cho thấy thiết kế in-ear này giúp AirPods bám tai tốt hơn hẳn phiên bản cũ, khả năng cách âm được cải thiện nhiều. Đáng chú ý là AirPods Pro có thể chịu nước và mồ hôi chuẩn IPX4, đồng nghĩa với việc bạn có thể thoải mái dùng nó khi tập gym, chạy bộ hay hoạt động dưới trời mưa.
Về mặt công nghệ, tính năng đáng chú ý nhất của AirPods Pro là chống ồn chủ động (Active Noise Cancelling). Thực tế thì noise-cancelling không phải là công nghệ gì đó quá mới mẻ, vốn đã xuất hiện trên rất nhiều đối thủ của AirPods Pro trên thị trường (như Sony WF-1000XM3) nhưng đây là lần đầu tiên nó được trang bị trên một chiếc tai nghe của táo khuyết.
Cụ thể, tính năng chống ồn chủ động hoạt động với sự hỗ trợ của 2 micro ở trong và ngoài tai – một chiếc có nhiệm vụ khử tiếng ồn bên ngoài và 1 chiếc nhận biết những tiếng ồn còn lại. Ngoài ra mỗi bên tai sẽ xử lý tiếng ồn độc lập không phụ thuộc vào bên kia.
Tính năng này cũng được Apple thiết lập thông minh, ví dụ khi bạn đang bật chống ồn mà tháo một bên tai ra thì bên còn lại cũng sẽ ngắt chế độ chống ồn ngay để trò chuyện, sau đó khi bạn đeo tai vào lại thì cả hai sẽ được kích hoạt lại chế độ chống ồn như trước.
Một tính năng khác đáng chú ý trên AirPods Pro là chế độ Transparency, cho phép bạn nghe được âm thanh bên ngoài trong khi đang nghe nhạc hay gọi điện ở nơi công cộng ngay tức thì – tương tự như chế độ Ambient Sound trang bị trên những chiếc tai nghe chống ồn cao cấp từ Sony.
Người dùng có thể chuyển đổi các chế độ, chơi nhạc hay nhận cuộc gọi bằng cách bóp vào phần thân của tai nghe, một điểm đáng chú ý với AirPods Pro thì Apple sử dụng cảm biến lực để điều khiển tai nghe mới của mình thay vì chạm (touch) như trước.
Tích hợp nhiều công nghệ mới, song AirPods Pro có thời lượng pin không hề kém cạnh so với những phiên bản trước: 5 giờ nghe nhạc, khi mở chế độ chống ồn chủ động thời gian sử dụng giảm xuống còn 4.5 giờ và 3.5 giờ gọi điện thoại. Hộp đựng AirPods Pro cũng tích hợp pin giúp nâng tổng thời gian sử dụng lên 24 tiếng khi nghe nhạc và 18 tiếng gọi điện. Apple cũng tích hợp sạc không dây chuẩn Qi, hỗ trợ sạc nhanh và sản phẩm vẫn sử dụng dây sạc Lightning.
Giống như các phiên bản AirPods trước đây, AirPods Pro sẽ dễ dàng được ghép nối với iPhone hoặc iPad ngay khi người dùng mở hộp đựng nhờ khả năng mạnh mẽ từ chip xử lý H1. Tuy nhiên để bật/tắt tính năng chống ồn chủ động trên iPhone thì bạn sẽ phải nâng cấp lên iOS 13.2 và tương tự là watchOS 6.1 trên Apple Watch.
Về công nghệ âm thanh, trái tim của AirPods Pro vẫn là con chip Apple H1 được trang bị trên AirPods 2, với khả năng xử lý audio độ trễ thấp, chống ồn chủ động thời gian thực, cho chất lượng âm thanh cao cấp, hỗ trợ Siri nhanh hơn và tiết kiệm năng lượng.
Điều đáng tiếc là Apple H1 không hỗ trợ một thứ mà một người chơi âm thanh kỳ vọng: AAC là codec âm thanh duy nhất trên con chip này, không hề có aptX hay LDAC. Thay vào đó, Apple bù đắp cho người dùng bằng công nghệ Adaptive EQ tự động điều chỉnh âm thanh của theo giai điệu của bài hát cũng như kiểu dáng tai đeo.
Trải nghiệm nhanh về chất âm, thiết kế in-ear cùng khả năng chống ồn vượt trội so với thế hệ AirPods trước giúp AirPods Pro tái tạo một không gian ngập tràn âm nhạc thực sự tuyệt vời, gu nhạc ấm áp & khỏe khoắn. Đã từng có những lo ngại rằng công nghệ chống ồn chủ động sẽ tạo ra cảm giác nặng nề, ngột ngạt cho tai nhưng điều này không hề xảy ra trên AirPods Pro.
Bài đánh giá cụ thể về chất âm của AirPods Pro so với AirPods 2 cũng như những đối thủ khác trong cùng phân khúc sẽ được chúng tôi gửi đến bạn đọc trong thời gian sớm nhất.
*Theo Theo Trí Thức Trẻ / soha.vn