Vị hoàng hậu mù mắt, tàn phế, không có con trai vẫn được hoàng đế trân trọng cả đời

Trong lịch sử, hoàng hậu là tôn hiệu cao quý, được mệnh danh là “mẫu nghi thiên hạ”. Bởi vậy, để giữ vững ngôi vị, một hoàng hậu thường phải cố gắng chăm lo nhan sắc và sinh hoàng nam nối dõi. Tuy nhiên, có một vị hoàng hậu sau khi lên ngôi đã bị mù một bên mắt, tật nguyền một bên chân, lại không sinh được con trai, nhưng trước vô vàn áp lực chốn triều đình, hoàng đế vẫn kiên quyết bảo vệ ngôi hoàng hậu cho bà.

Đó chính là Tiền hoàng hậu (1426 – 1468) – hoàng hậu duy nhất trong suốt cuộc đời của hoàng đế Minh Anh Tông Chu Kỳ Trấn.

Lên ngôi hoàng hậu nhờ phẩm hạnh xuất chúng

Năm Chính Thống thứ 7 (1442), mùa xuân, Tiền thị thông qua tuyển tú nhập cung, được chọn làm hoàng hậu. Khi đó Anh Tông 15 tuổi, còn Tiền thị 16 tuổi.

Bà nội của Anh Tông, Trương thái hoàng thái hậu là một người phụ nữ kiệt xuất, bà từng giúp chồng là Minh Nhân Tông giữ vững vị trí thái tử, phò trợ con trai Minh Tuyên Tông và giờ là cháu trai. Bà biết rõ vị trí hoàng hậu có ảnh hưởng thế nào đối với hoàng đế, vì vậy bà tuyển chọn cháu dâu vô cùng tỉ mỉ.

Thấy Tiền thị là người dù xuất thân không nổi bật nhưng nhân phẩm lại xuất chúng, Trương thái hoàng thái hậu đã chọn bà làm chính cung hoàng hậu.

Nhà vua trẻ tuổi có được người vợ thông tuệ, vạn phần hiền đức thì rất vui sướng. Hai người sống những ngày tháng tân hôn vô cùng hạnh phúc bên nhau.

Một lần, Minh Anh Tông chợt để ý rằng gia tộc của hoàng hậu chỉ giữ những chức quan khá tầm thường, nên ông bèn muốn cất nhắc, phong tước cho một vài người trong số họ. Thế nhưng khi nhà vua đề cập việc này, hoàng hậu ngay lập tức từ chối. Bà nói rằng, trong gia tộc chưa ai có công lao, đóng góp to lớn trong triều đình hoặc có tài năng xuất chúng để xứng đáng được phong tước cả. Thực ra, bà làm vậy là vì lợi ích của nhà vua, giúp triều Minh tránh hoạ ngoại thích hoành hành. Tiền thị cũng là gia tộc hoàng hậu duy nhất của triều Minh không nhận phong tước.

Về sau, Minh Anh Tông nhắc lại việc này thêm vài lần nữa, lần nào hoàng hậu cũng một mực khước từ. Qua đó, Anh Tông càng hiểu thêm về tấm lòng quảng đại và phẩm chất công bằng, chính trực của Tiền hoàng hậu. Tình cảm Đế – Hậu từ đó càng trở nên sâu nặng, thắm thiết.

Chỉ có một điều đáng tiếc, đó là dù nhà vua hết mực sủng ái và rất mong chờ, nhưng Tiền hoàng hậu vẫn không thể sinh cho ông một vị hoàng tử nào, trong khi các phi tần khác đều liên tục sinh nở. Anh Tông vẫn luôn muốn hoàng hậu sinh hạ đích tử, vì sợ rằng nếu truyền ngôi vị cho hoàng thứ tử, thì sinh mẫu (mẹ đẻ) sẽ lạm quyền, ức hiếp Tiền hoàng hậu.

Tiền hoàng hậu. (Ảnh: wikipedia.org)

Hoa mai trong tuyết lạnh

Trong suốt triều đại nhà Minh, quân Mông Cổ luôn là một lực lượng uy hiếp ở phía bắc lãnh thổ. Các đời vua nhà Minh cũng có nhiều lần phải thân chinh cầm quân xuất trận để bảo vệ bờ cõi.

Đến thời Minh Anh Tông, quân đội nhà Minh trở nên suy yếu. Trong lúc đó, bộ tộc Ngõa Lạt – một trong những bộ tộc của Mông Cổ lại dần trở nên lớn mạnh. Nhân lúc triều đình nhà Minh rối ren, thái sư Dã Tiên của tộc Ngõa Lạt đem quân xâm chiếm, nhằm khôi phục lãnh thổ của nhà Nguyên trước đây.

Vì tin dùng hoạn quan Vương Chấn, Minh Anh Tông quyết định thân chinh cầm quân ra trận, trực tiếp nghênh chiến với quân Mông Cổ mặc cho sự can ngăn của các đại thần trong triều. Vương Chấn tùy tiện chỉ huy quân đội, bưng bít các thông tin quan trọng với nhà vua, khiến quân đội nhà Minh chịu thiệt hại nặng nề.

Khi tình hình chiến sự trở nên vô cùng bất lợi, Vương Chấn bèn tìm cách thoát ly khỏi nhà vua; thế nhưng trên đường tẩu thoát, hắn bị quân Mông Cổ bắt được và giết chết. Về phần Minh Anh Tông, ông bị bắt giữ làm tù binh. Sử gọi sự kiện này là “sự biến Thổ Mộc”.

Khi nhà vua bị giặc bắt không rõ tung tích, triều đình nhà Minh vô cùng hoảng loạn. Trước tình thế đó, Tôn thái hậu gấp gáp lập em trai của Minh Anh Tông là Chu Kỳ Ngọc lên ngôi, tức Minh Đại Tông, nhằm ổn định tình hình, tổ chức đánh trả quân Mông Cổ.

Nhận được hung tin chồng bị bắt làm tù binh, anh trai Tiền Khâm và em trai Tiền Chung cũng tử trận trong sự biến Thổ Mộc, Tiền hoàng hậu đau đớn gần như không thiết sống. Lòng đau đáu muốn cứu chồng, nhưng một người phụ nữ yếu đuối trước giờ chỉ giam mình chốn hậu cung thì có thể làm gì? Thế là bà ngày ngày dập đầu quỳ lạy trước tượng Phật, hy vọng rằng tấm lòng chân thành của mình có thể thấu đến Thiên địa Thần linh, giúp trượng phu bình an trở về.

Mùa đông với cái lạnh cắt da cắt thịt tràn tới, Tiền Hoàng hậu vẫn ngày ngày quỳ lạy, ngày ngày ngóng trông. Sức khỏe của bà suy giảm đến mức giờ đây đã chẳng thể tự đứng dậy được, thế nhưng chưa một ngày nào bà ngừng cầu nguyện. Cứ như vậy, một con mắt và một bên chân của bà trở nên yếu đi và cuối cùng là tật nguyền vĩnh viễn. Năm đó, Tiền hoàng hậu mới chỉ 24 tuổi. Nhưng hoàng hậu vẫn cự tuyệt chữa trị, cho rằng để giúp Anh Tông thì dù bản thân phải trả cái giá lớn như vậy cũng đáng.

Có lẽ tấm lòng son sắt, kiên trinh của Tiền Hoàng hậu đã lay động Trời xanh nên cuối cùng, Minh Đại Tông cũng bảo vệ Bắc Kinh thành công trước sự uy hiếp của quân Ngõa Lạt, khiến họ phải giao trả lại Anh Tông. Thế nhưng lúc này, Anh Tông bị đặt vào một tình thế vô cùng nhạy cảm khi bản thân cũng là vua mà triều đình đã có một ông vua mới. Năm đầu Cảnh Thái (1450), Minh Anh Tông từ Mạc Bắc trở về kinh, được tôn làm Thái thượng hoàng và bị giam lỏng ở Nam Cung. Thế là Tiền hoàng hậu lại tiếp tục dọn đến Nam Cung, đồng cam cộng khổ với Anh Tông.

Cuộc sống hằng ngày của Anh Tông rất vất vả, chỉ còn lại rất ít thị vệ, thức ăn chỉ được đưa qua lỗ nhỏ, vừa ít vừa kém chất. Hoàng hậu Tiền thị phải làm việc ngày đêm, làm ra được một số đồ thêu mang bán để đổi lấy đồ ăn thức uống, bên nhà mẹ Tiền hoàng hậu cũng phải tiếp tế thêm. Thế nhưng dù khổ ải, dù nhan sắc tàn phai, thân thể tàn tật, hoàng hậu vẫn được trượng phu hết lòng yêu thương, trân trọng. Hai người sống những ngày tháng tuy gian nan mà rất mực hạnh phúc.

(Ảnh minh họa: youtube.com)

Qua cơn bĩ cực đến hồi thái lai

Vài năm sau, Minh Đại Tông bỗng nhiên mắc bệnh và trở nên ngày càng nguy kịch. Trước tình hình đó, một số đại thần trong triều tiến về phía Nam Cung, khẩn cầu Minh Anh Tông quay về trị vì đất nước. Thế là một lần nữa, Minh Anh Tông ngồi lên ngai vàng, trở thành hoàng đế.

Lúc này, nhà vua cần sắc phong một vị hoàng hậu mới. Mọi người đều nghĩ quý phi Chu thị, người đã sinh ra trưởng tử Chu Kiến Thâm sẽ ngồi lên ngôi vị hoàng hậu. So với Tiền thị tàn tật, không sinh cho nhà vua một đứa con nào thì quý phi Chu thị có ưu thế hơn hẳn: không những có nhan sắc mà còn sinh cho nhà vua đến ba hoàng tử, trong đó có Chu Kiến Thâm sau này được phong là thái tử. Bản thân Chu quý phi cũng nôn nóng muốn thay Tiền hoàng hậu trở thành Trung cung.

Thật mau, có thái giám tên Tưởng Miện nhỏ to với Tôn thái hậu: “Tiền hoàng hậu không con lại tàn phế, không thích hợp đảm đương vị trí hoàng hậu. Chi bằng thay lập Chu phi làm hoàng hậu, như vậy mới không làm mất mặt Đại Minh vương triều”. Tôn thái hậu nghe xong cũng cảm thấy cực kỳ có lý, có ý định phế bỏ Tiền hậu. Anh Tông nghe được vô cùng tức giận, liền cắt chức Tưởng Miện, đồng thời ra chỉ sắc phong cho Tiền thị ở ngôi hoàng hậu.

Với ông, đạo nghĩa vợ chồng sâu nặng và tấm lòng sắt son của Tiền thị vượt lên trên tất thảy những tính toán thông thường. Bà bị tàn phế, tật nguyền cũng chỉ vì cầu khẩn Thượng Thiên phù hộ độ trì cho ông. Dù rằng bà không có con nhưng sự trân quý của nhà vua dành cho bà chưa khi nào suy chuyển. Tham vọng của Chu quý phi cũng vì thế tiêu tan.

Quần thần suy tôn hoàng thái hậu

Năm Thiên Thuận thứ 8 (1464), tháng 12, Minh Anh Tông ngã bệnh. Ngày 16 tháng ấy bệnh quá nặng, Anh Tông tự liệu không thể qua khỏi, bèn triệu hoàng thái tử và văn võ bá quan đến bên giường dặn dò. Anh Tông sợ mình băng hà thì Chu phi sẽ gây khó dễ Tiền hậu, nên nói với thái tử: “Hoàng hậu danh vị đã định, phải tẫn hiếu thiên niên”.

Nhưng Anh Tông vẫn lo lắng rằng Chu phi sẽ tác oai tác oái, khiến thái tử sợ mẹ mà làm bậy, bèn quyết định kéo tay đại học sĩ Lý Hiền mà dặn dò: “Sau khi Tiền hoàng hậu thiên thu, phải cùng Trẫm hợp táng”. Đại học sĩ Lý Hiền khóc không thành tiếng, cũng lấy lời này viết lên di chiếu.

Thế nhưng sau khi Anh Tông băng hà, Hiến Tông lại toan phế bỏ Tiền hậu, chỉ suy tôn mẹ ruột Chu thị làm hoàng thái hậu. Các đại học sĩ trong triều, đứng đầu là Lý Hiền ra sức phản đối. Đại học sĩ Bành Thời cảm thán: “Liệt tổ liệt tông cùng Thiên địa Thần linh ở trên trời nhìn xem, hoàng thượng đã lấy hiếu trị thiên hạ, há chỉ có tôn mẹ đẻ không tôn mẹ cả!” Dưới áp lực của triều thần, Chu Quý phi bèn khóc lóc với con trai là Hiến Tông để ra mặt, nhưng bản thân Hiến Tông cũng cảm thấy các đại thần có lý. Chu phi bèn tức tối, miễn cưỡng chấp nhận.

Trước cảnh Tiền hoàng hậu do Anh Tông qua đời mà không tiếc ăn uống, không màng thế sự, còn Chu quý phi chưa gì đã nhanh nhẹn muốn tranh vị, các đại thần trở nên bất mãn. Đại học sĩ Bành Thời nhanh chóng nói: “Lưỡng cung đồng tôn hoàng thái hậu, e rằng sẽ khó phân biệt. Nên tôn huy hiệu riêng cho Tiền hoàng hậu để phá lệ hơn thấp”. Do vậy, 2 tháng sau khi Anh Tông băng hà, triều thần tôn Tiền hoàng hậu là hoàng thái hậu, gọi là Từ Ý hoàng thái hậu, còn Chu Quý phi chỉ là hoàng thái hậu, mà không có tôn hiệu.

Cuộc đời của hoàng hậu Tiền thị không được yên bình hưởng phúc chốn thâm cung, nhưng đức hạnh của bà đã viết nên bài ca tươi đẹp nhất về đạo nghĩa phu thê, như đoá hoa mai khiêm nhường mà ngạo nghễ đơm bông giữa bốn bề sương tuyết. Không sai khi nói Minh Anh Tông là vị hoàng đế nghĩa trọng tình thâm, nhưng có lẽ đó là bởi vì ông đã có một người vợ hiền đức, giữ trọn đạo nghĩa phu thê ngay cả trong những tháng ngày đen tối nhất.

Khiêm Từ

(Tổng hợp và biên soạn)

Theo dkn.tv