Để trở thành giáo viên mầm non ở New Zealand ư? Chỉ có lòng đam mê nghề và yêu thích trẻ em thôi, thì chưa đủ. Nó còn khó hơn cả cuộc thi tiến sĩ! Một người đã phải thốt lên như vậy.
Những ngày gần đây, các vụ bạo hành trẻ em mầm non liên tục xảy ra làm rúng động dư luận, gây lo lắng cho những bậc phụ huynh.
Khi dư luận chưa hết bức xúc với trường hợp một người giúp việc tại Hà Nam đánh đập, tung hứng trẻ sơ sinh hơn 1 tháng tuổi vì quấy khóc, thì ngay sau đó cộng đồng lại không khỏi phẫn nộ, khi chứng kiến clip các cô giáo trong trường mầm non tư thục Mầm Xanh (quận 12, TP. HCM) đánh học sinh không thương tiếc.
Không chỉ ở Việt Nam, tại Thượng Hải – Trung Quốc cũng xảy ra những vụ ngược đãi trẻ em tàn bạo gây bức xúc toàn xã hội. Một em bé mới mười mấy tháng tuổi đã bị cô giáo bơm mù tạt vào mồm, uống thuốc an thần và đánh tới mức hôn mê bất tỉnh, không những vậy còn bị xịt nước khử trùng vào mắt và miệng. Sự việc khiến nhiều người dân căm phẫn bất bình. Cho dù sau đó cô giáo mầm non này đã quỳ xuống cầu mong nhận được sự tha thứ của cha mẹ bé, nhưng họ đều không chấp nhận.
Có thể khi xem những tin tức như thế này tràn ngập trên các phương tiện truyền thông, các bậc cha mẹ sẽ có những cung bậc cảm xúc khác nhau: phẫn nộ, bức xúc, lo lắng, hoang mang v.v… Không biết mình sẽ phải làm thế nào để bảo vệ con? Biết gửi gắm con học ở trường nào để có môi trường giáo dục an toàn và phát triển bình thường? Khi nào thì các vấn nạn ấy mới có thể dừng lại? Đó là những nỗi niềm và những câu hỏi day dứt của các bậc phu huynh và của toàn xã hội.
Gần đây trên một trang blogger cá nhân có tên Maple Street Allyn đã đăng tải bài viết “Là một giáo viên mầm non quả không đễ dàng. Vì sao trường mầm non của New Zealand không có chuyện ngược đãi trẻ em?“. Bài viết này đã để lại ấn tượng sâu sắc khiến tất cả các bậc phụ huynh phải suy ngẫm.
Dưới đây là nội dung của bài viết:
Tôi là giáo viên mầm non tại New Zealand, có hơn 6 năm dạy các bé dưới 3 tuổi. Tôi cũng như các bạn đồng nghiệp trong nghề khác, rất bận rộn và mệt mỏi, bởi vậy khi về đến nhà, ngoài việc xem tivi thì không muốn động tay động chân làm bất cứ việc gì. Có hôm trên lớp cùng lúc có mấy bé cắn nhau cần can thiệp, mỗi ngày lại phải căng mắt quan sát bọn trẻ, lại còn phải trấn an các bậc phụ huynh, cảm thấy áp lực vô cùng lớn; lương chúng tôi cũng không quá cao.
Hoàn cảnh áp lực là vậy, nhưng vì sao những giáo viên mầm non chúng tôi không bao giờ đối xử thô bạo với các em nhỏ?
Theo suy nghĩ của cá nhân tôi, nguyên nhân chủ yếu là bởi đất nước New Zealand có một hệ thống giám sát và đánh giá rất đầy đủ đối với các giáo viên mầm non như chúng tôi.
1. Thông qua tầng tầng kiểm định ngặt nghèo mới có thể đăng ký làm giáo viên mầm non
Trong bài viết “Tôi tự tay giao con cho súc vật” của tác giả Amy có chia sẻ: Cô quen một thạc sĩ học chuyên ngành giáo dục và muốn qua New Zealand làm giáo viên mầm non. Kết quả yêu cầu của họ quá cao, còn khó hơn cả thi tiến sĩ. Để có thể trở thành giáo viên mầm non tại New Zealand, cô phải trải qua nhiều buổi phỏng vấn, các bài kiểm tra, đặc biệt là những khảo sát về sự hiểu biết về giáo dục, cũng như các kiểm tra xem cô ấy có thực sự yêu thích công việc giáo viên mầm non hay không. Sau đó vì quá khó khăn nên cô đã quyết định bỏ cuộc, nộp đơn thi tiến sĩ.
Những điều cô ấy chia sẻ quả thật không khoa trương chút nào. Nếu tham gia học thạc sĩ hay tiến sĩ, bạn chỉ cần cố gắng học cho tốt là được. Tuy nhiên để có thể đăng ký trở thành một giáo viên mầm non, bạn phải thông qua nhiều cửa ải, mới có thể học được chuyên ngành giáo dục mầm non, và cuối cùng mới có thể trở thành giáo viên mầm non.
Tầng cửa ải thứ nhất: Bồi dưỡng học tập giáo dục mầm non ở trường
Sinh viên khi vào nhập học sẽ vượt qua kỳ thi về ngôn ngữ (Bốn kỹ năng IELTS đều phải đạt từ điểm 7), sơ yếu lý lịch, điều tra về trình độ học vấn, xác nhận không phạm tội, phỏng vấn (Chủ yếu hỏi về động cơ muốn học chuyên ngành mầm non, hiểu biết về việc dạy trẻ, phương pháp hòa hợp với trẻ…), thi viết (trình độ tiếng Anh và toán).
Nếu vượt qua được những điều trên, mới có thể vào học chuyên ngành giáo dục mầm non. Trong quá trình học lý thuyết còn có vô số các buổi học thực hành: Mỗi tuần thực tập tại một nhà trẻ khác nhau (Mỗi tuần thông thường là ở tại đó mười mấy giờ); không những vậy, mỗi năm phải tới một nhà trẻ được chỉ định để thực tập làm chuyên đề lớn.
Yêu cầu trong thời gian thực tập phải hoàn thành các môn đạt theo quy định, mới có thể được tốt nghiệp. Những giờ học thực hành này không phải chỉ hoàn thành đủ số lượng thời gian là được, mà phải học bằng thực chất. Sau khi vượt qua các môn học lý luận và thực hành mới có thể được tốt nghiệp và bước vào ngưỡng cửa tiếp theo.
Tầng cửa ải thứ hai: Ủy ban giáo dục
Những sinh viên sau khi tốt nghiệp chuyên ngành mầm non thì tìm việc rất dễ dàng, sau khi có công việc cần đến Ủy ban giáo dục xin ghi danh. Lúc này Ủy ban giáo dục sẽ thực hiện sát hạch lại về ngôn ngữ, gia cảnh và thành tích học tập thực sự của cá nhân đó (Bạn đừng cho rằng đây chỉ là việc làm qua loa cho xong chuyện. Tôi từng biết một vài đồng nghiệp, mấy năm trời không lấy được giấy chứng nhận vì không qua khỏi kiểm tra về ngôn ngữ của Ủy ban giáo dục).
Tầng cửa ải thứ ba: Giáo viên hướng dẫn
Giáo viên mầm non khi đăng ký chỉ được cấp giấy chứng nhận tạm thời và yêu cầu phải có một giáo viên hướng dẫn đủ tư cách (thường là các giáo viên cùng trường), đứng ra cam kết bảo lãnh, ít nhất trong thời gian 2 năm phải hoàn thành việc học tập và mục tiêu công việc theo quy định của Ủy ban giáo dục.
Về cơ bản, hàng tháng đều được giáo viên hướng dẫn quan sát từ cự ly gần, sau đó họp chia sẻ và thảo luận về những thiếu sót, và những điều này đều phải lập thành văn bản. Cuối cùng khi giáo viên hướng dẫn cảm thấy khả năng của bạn tạm ổn, mới thông báo với Ủy ban giáo dục phê duyệt chính thức trở thành giáo viên mầm non.
Bạn đừng nghĩ giáo viên hướng dẫn là đồng nghiệp thì sẽ dễ tạo điều kiện cho bạn đạt yêu cầu. Bởi vì đại đa số người dân New Zealand đều là những người rất nghiêm túc, giáo viên hướng dẫn – họ cũng tự có trách nhiệm của mình, cũng từng bước từng bước đi lên rất khó khăn, bởi vậy họ sẽ đánh giá bạn rất khách quan. Trong những đồng nghiệp mà tôi quen biết, có không ít người mặc dù đã công tác trong ngành tới ba, bốn năm, nhưng vẫn chưa có được chứng nhận chính thức. Lại có những người sau khi nhận được chứng nhận chính thức, nhưng bị giáo viên hướng dẫn phát hiện làm giả một số vấn đề và gửi email tới Ủy ban giáo dục, liền bị thu hồi giấy phép hành nghề và bị yêu cầu kéo dài thời gian làm giáo viên tạm thời.
Tầng cửa ải thứ tư: Người phụ trách chuyên ngành ở trường mầm non
Không phải sau khi trở thành giáo viên mầm non chính thức được cấp phép, thì bạn có thể vô lo vô nghĩ. Bạn phải thường xuyên thu thập các tài liệu dạy học cho bản thân, để chuẩn bị cho đợt sát hạch 3 năm một lần. Công việc xét duyệt chủ yếu do người phụ trách chuyên ngành của trường mầm non thông qua mới có thể thực hiện.
2. Cơ chế đánh giá của trường mầm non và yêu cầu về chất lượng
Có đủ tình yêu dành cho trẻ và sau khi trải qua hàng loạt quan ải để có thể trở thành giáo viên mầm non chính thức, không phải sau đó bạn có thể dựa vào việc ăn hối lộ để sống qua ngày một cách thoải mái. Trường mầm non tại New Zealand không cho phép có việc đó, thành phố cũng không cho phép.
2.1 Đánh giá hằng năm của trường mầm non
Đại đa số các trường mầm non chính quy đều có chế độ này. Công việc đánh giá này sẽ được bản thân giáo viên, hiệu trưởng và giám đốc đánh giá về khả năng dạy trẻ, tình hình học tập, mục tiêu học tập của bạn trong năm đó. Sau đó còn có đánh giá 3 tháng một lần, để xem mức độ cố gắng đạt mục tiêu của bạn tới đâu, 6 tháng, 9 tháng lại đánh giá, tới kỳ hạn một năm có đánh giá năm và bắt đầu lập mục tiêu cho năm tới.
2.2 Yêu cầu cạnh tranh về chất lượng trong các trường mầm non
Các trường mầm non ở New Zealand (bao gồm cả công lập và dân lập) quy mô không lớn (quy mô lớn thường là 70 – 80 bé, quy mô nhỏ là 10 – 20 bé). Trong khu vực Auckland nơi tôi cư trú, trong vòng bán kính 5km có hơn 10 trường mầm non, chưa kể tới những trường mầm non gia đình quy mô nhỏ.
Ở đây có sự cạnh tranh về chất lượng rất lớn, nếu phụ huynh cảm thấy con đi học không được vui hoặc không được tốt, thì có thể chuyển trường khác bất cứ lúc nào. Bởi vậy hiệu trưởng các trường mầm non thường có yêu cầu rất cao về chất lượng, và các giáo viên phải luôn không ngừng học hỏi. Mỗi năm các trường đều phải tạo điều kiện cho các giáo viên học thêm nhiều kiến thức chuyên ngành, nếu không sẽ không theo kịp với yêu cầu và phải đổi nghề. Tuy nhiên việc học nâng cao này, đều phải có liên quan tới yêu cầu chất lượng dạy học mỗi ngày, giáo viên chỉ cần đặt tâm làm cho tốt, không cần quá nhiều thời gian và sức lực để học.
Chất lượng được đề cập tới ở đây không phải là việc trẻ học được bao nhiêu chữ hay học được nhiều năng khiếu. Giáo dục trẻ trước tuổi đi học tại New Zealand không có giáo trình, chủ yếu là giáo viên quan sát đặc điểm và sở thích của trẻ, rồi căn cứ vào đó để thiết lập các loại hoạt động giúp trẻ tự do phát triển năng lực về các mặt khác nhau qua những hoạt động đó. Chỉ tiêu chất lượng chủ yếu là trẻ liệu có được an toàn khỏe mạnh không? Liệu trẻ có lệ thuộc vào cha mẹ không? Sở thích và phẩm chất cá biệt của trẻ có được phát hiện và được tạo điều kiện phát huy tối đa không?…
3. Sự đốc thúc và giám sát về chuyên môn giữa các giáo viên
Như trong phần đầu bài viết đã đề cập việc đăng ký để có thể trở thành giáo viên mầm non tại New Zealand, phải trải qua vô số vòng tuyển chọn khảo sát. Hầu như các giáo viên được lựa chọn, không những cần có tình yêu trẻ xuất phát từ nội tâm và sự dịu dàng ần cần với chúng, mà còn phải có năng lực tự đánh giá đề cao chính mình.
Có một lần trường mầm non nơi tôi công tác, có mời một chuyên gia giáo dục mầm non của Mỹ tên Glgi tới diễn thuyết. Trong bài thuyết giảng của mình, bà gọi những giáo viên mầm non là NDS (Neoru development specialist – chuyên gia phát triển thần kinh não). Nguyên nhân là bởi những việc chúng tôi làm mỗi ngày đều là giúp trẻ có thể phát triển hệ thần kinh não bộ một cách khỏe mạnh toàn diện. Có rất nhiều bạn đồng nghiệp khi nghe được điều này, đều cảm thấy vị chuyên gia này như đang nói những lời từ tận đáy lòng mình.
Mặc dù lương giáo viên mầm non không cao nhưng chúng tôi thực sự là chuyên gia. Chúng tôi làm công việc dạy dỗ trẻ nhỏ là xuất phát từ nội tâm, vì mong muốn thay đổi thế giới (make a diffrence). Chẳng phải có câu nói: Người mẹ tốt có thể thay đổi thế giới. Khi mẹ phải đi làm không thể chăm sóc ở cùng con, thì chúng tôi chính là những người mẹ thứ hai giúp đỡ trẻ, bởi vậy có nhiệm vụ thay đổi thế giới này.
Nghe có vẻ giống như nói đùa, tuy nhiên có không ít người bạn đồng nghiệp của chúng tôi đều có suy nghĩ như thế. Công việc của chúng tôi là vì tương lai của trẻ, bởi vậy đừng nói là những người trong ngành ngược đãi trẻ em, ngay cả các bậc phụ huynh có những cư xử không thích đáng với các con, chúng tôi cũng đều thấy căm phẫn bất bình.
Tôi từng quen một đồng nghiệp rất có nhiệt huyết với vấn đề giáo dục, người khác có cách nghĩ thế này thế kia, riêng cô ấy nhận định rằng: Giáo viên mầm non là người giám hộ trẻ, lắng nghe trẻ, thấu hiểu trẻ và mang lại cho trẻ những trải nghiệm chân thực.
Nhà trường yêu cầu trong mỗi tuần mỗi lớp phải đăng một vài thông tin của lớp lên facebook của trường, nhưng cô ấy kiên quyết không làm, cô ấy nói: “Làm điều này, thứ nhất chỉ là để đáp ứng yêu cầu giải trí của phụ huynh, thứ hai là để tuyên truyền chứ có tác dụng gì với trẻ đâu? Thời gian để làm việc đó, thôi thà dành để chăm sóc trẻ còn hơn”. Những giáo viên vì trẻ mà lên tiếng, vì trẻ mà đứng lên hành động chính là giáo viên tốt nhất.
Mấy năm trước tại New Zealand có một vụ ngược đãi trẻ em, quản lý của một trường mầm non nọ đút đồ ăn ép mấy bé phải ăn, không những vậy còn dùng thước đánh vào tay, lấy băng dính dán miệng các bé lại. Khi đó trong trường không có camera, một số giáo viên trong trường sau khi nhìn thấy liền mang máy ảnh ra chụp làm bằng chứng và báo với cảnh sát, vị giám đốc này liền bị trừng phạt xứng đáng.
Mặc dù ở New Zealand cũng có những giáo viên mầm non có hành động không thỏa đáng với học sinh, và vụ ngược đãi trẻ em nói trên là một trường hợp vô cùng ít ỏi. Tuy nhiên đại đa số trong mọi trường hợp, cho dù không có camera giám sát, nhưng mỗi giáo viên mầm non tại đây lúc nào cũng có cảm giác ở trong tầm quan sát của các chuyên gia, nên bất kể có vì hình tượng của mình hay không, chúng tôi cũng luôn chú ý tới cách thức nói chuyện với trẻ.
Hôm nay đọc được bài viết của một bậc phụ huynh có con học trường mầm non đăng trên facebook của mình và chia sẻ với bạn bè:
“Thật kinh ngạc với sự trưởng thành nhanh chóng của con trong môi trường giáo dục rộng lớn ở New Zealand, khiến mỗi đứa trẻ đều có tình yêu thương quan tâm chăm sóc ấm áp tới mọi người”.
Chia sẻ của chị làm tôi chợt nhớ tới sự việc xảy ra sáng nay: Một bé trai chưa đầy hai tuổi đang chơi xếp hình, cậu bé dùng những mảnh gỗ xếp hành một tòa tháp rất cao, sau đó mang thành tích của mình tới khoe tôi. Nhìn vẻ mặt hớn hở của cậu bé, tôi cũng rất vui và khen cậu bé thật có năng khiếu. Đột nhiên tòa tháp bị sụp và một miễng gỗ xếp hình rơi vào bàn chân tôi, mặc dù không đau nhưng tôi vẫn ngồi xuống xoa xoa chân mình. Với vẻ mặt đầy ân cần và hối hận, cậu bé nói: “Cô ơi, con xin lỗi”, sau đó nhẹ nhàng từ từ tiến tới gần thơm nhẹ lên má tôi bày tỏ sự ân hận của mình.
Giáo dục trẻ nhỏ thực sự là một công việc lập tức nhận được hồi báo: Bạn thật lòng yêu thương con trẻ, chúng cũng sẽ thật sự yêu mến bạn; Bạn khích lệ trẻ về một phương diện nào đó, trẻ sẽ nhanh chóng mang lại cho bạn sự vui mừng đáng kinh ngạc; Bạn đối xử dịu dàng với trẻ, trẻ sẽ càng quan tâm tới bạn nhiều hơn.
Vậy còn những giáo viên mầm non đang ngược đãi đối xử không tốt với trẻ, điều họ nhận được sẽ là gì? Câu trả lời xin nhường lời cho các độc giả.
***
Sau khi đọc bài viết trên, chắc rằng sẽ khiến chúng ta không khỏi suy ngẫm. Thay vì trăn trở vì sao tình trạng bạo hành trẻ em tại các trường mầm non ngày một gia tăng và phức tạp đến như vậy? Thì có lẽ chúng ta cần phải quay trở lại vấn đề: Các giáo viên mầm non đã được tuyển chọn và đào tạo như thế nào? Phải chăng chúng ta đang quá coi thường, coi nhẹ một ngành đào tạo với trọng trách vô cùng lớn lao – “bảo hộ những sinh mệnh nhỏ bé, góp phần thay đổi thế giới”. Để rồi, cái giá nhận được phải ngậm ngùi.
Theo soundofhope.org / dkn.tv
Kiên Định biên dịch