Viêm họng, khi nào cần dùng kháng sinh?

Cháu 20 tuổi, thường xuyên bị viêm họng, có khi nhẹ có khi viêm họng nhiều ngày mới khỏi. Xin quý báo cho biết cháu có thể dùng kháng sinh để chữa viêm họng không, dùng khi nào?

Lê Vũ Khanh (Hà Nội)


Đang tải…

Viêm họng là một bệnh thông thường xảy ra quanh năm, ở mọi đối tượng, mọi lứa tuổi. Đặc biệt ở trẻ em, người cao tuổi, người có thể trạng yếu… là đối tượng của bệnh. Viêm họng thường biểu hiện bằng nuốt đau, rát họng, sốt, có thể kèm theo ho, chảy nước mũi, đau tai, nổi hạch cổ. Phần lớn viêm họng là do virut và là một phần của bệnh cảm thông thường, một số viêm họng là do nhiễm khuẩn, trong đó có liên cầu khuẩn (Streptococcus) tán huyết bêta nhóm A.

Rất khó để phân biệt viêm họng do siêu vi, do nhiễm khuẩn hay do liên cầu khuẩn bằng khám thông thường vì triệu chứng viêm họng gần như giống nhau. Vì vậy, cấy bệnh phẩm hoặc làm xét nghiệm nhanh phết họng tìm Streptoccocus (kết quả có trong vòng 15 phút) là phương pháp hiện nay dùng để phân biệt viêm họng virut hay do vi khuẩn.

Thông thường, viêm họng do virut thường sẽ tự khỏi, triệu chứng đau họng sẽ hết trong vòng 5-7 ngày, còn ho và sổ mũi có thể kéo dài 2-3 tuần. Bệnh nhân chỉ cần nghỉ ngơi, uống nhiều nước, ăn nhiều trái cây, dinh dưỡng đầy đủ, tránh khói thuốc lá, tránh bụi và ô nhiễm, dùng nước muối xịt rửa mũi để giảm nhẹ triệu chứng, dùng nước súc miệng… Tuyệt đối không sử dụng kháng sinh trong viêm họng do virut vì kháng sinh không thể trị được virut nên không thể hết viêm họng mà còn có thể gặp các tác dụng phụ khi dùng kháng sinh như dị ứng thuốc, tiêu chảy… Và xa hơn là việc lạm dụng kháng sinh sẽ dẫn đến tình trạng kháng thuốc sau này và hậu quả là rất khó kiểm soát tình trạng nhiễm khuẩn, khó điều trị bệnh…


Chỉ sử dụng kháng sinh điều trị viêm họng khi có bằng chứng của nhiễm khuẩn. Việc dùng loại kháng sinh nào với từng trường hợp phải theo đúng chỉ định của bác sĩ. Khi dùng kháng sinh phải đủ liều và đủ thời gian. Dùng kháng sinh quá ngắn ngày hoặc quá dài ngày đều làm tăng nguy cơ kháng thuốc của vi khuẩn.

Đặc biệt, khi có kết quả xét nghiệm dương tính với liên cầu khuẩn tán huyết beta nhóm A thì người bệnh sẽ phải dùng ngay kháng sinh để giảm nhanh triệu chứng, đồng thời phòng ngừa các biến chứng hậu nhiễm liên cầu khuẩn như thấp tim, viêm cầu thận cấp. Nhóm kháng sinh thường dùng là penicillin (hoặc ampicillin, amoxicillin), cephalosporin, macrolid và clindamycine…

DS. Minh Trung
*Theo suckhoedoisong.vn




Đang tải…