Ở Điện Phước, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam có ngôi trường mang tên một người con gái Nhật Bản – Junko. Từ ngày có ngôi trường này, năm nào cũng có đoàn Nhật Bản sang thăm. Họ đến giao lưu với các em học sinh, rồi về tận nhà phụ huynh xin ăn ở cùng để sang năm quay lại với những món quà thiết thực.
Câu chuyện này xảy ra cách đây khoảng 20 năm. Sau chiến tranh, xã Điện Phước có Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám. Ngày đó, học sinh nhiều, đi lại khó khăn nên ngoài ngôi trường chính có một phân hiệu nằm cạnh trường Junko bây giờ.
Mùa hè năm 1993, người con gái Nhật Bản có tên Junko Takahashi tròn 20 tuổi. Cô là sinh viên năm thứ 3 của Trường Đại học Minh Trị Thiên Hoàng, học ngành Quan hệ quốc tế. Tranh thủ thời gian nghỉ hè, cô cùng những người bạn lên đường sang Việt Nam tìm hiểu, nghiên cứu tư liệu phục vụ cho bài luận văn của mình.
Khi đặt chân đến vùng đất Quảng Nam – Đà Nẵng, Junko ấn tượng bởi cuộc sống của người dân nơi đây. Tuy nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng họ sống hiền hoà, chân thật và nghĩa tình. Từ những người nông dân lam lũ đến những em bé thơ ngây, ai cũng chào đón cô và những người bạn rất nhiệt tình bằng sự mộc mạc gần gũi theo cách của người dân quê nghèo khổ.
Chẳng biết từ khi nào, Junko mang trong mình nỗi trăn trở về cuộc sống của người dân xứ Quảng Đà. Cô gái ghi vào cuốn sổ nhật ký, mơ ước rằng sau khi tốt nghiệp ra trường sẽ tìm kiếm việc làm tại Việt Nam và dành dụm tiền để xây dựng một ngôi trường cho các em nhỏ học hành tử tế, đầy đủ tiện nghi.
Tuy nhiên, một tháng sau khi trở lại Nhật Bản, Junko qua đời bởi một tai nạn giao thông. Cứ ngỡ rằng, những tâm nguyện của cô gái trẻ xứ sở hoa anh đào sẽ bị lãng quên, thì may thay cha cô đã giúp con gái làm điều đó. Khi ông Horotaro TaKahashi lật giở những trang nhật ký và biết được ước mơ của con gái mình, ông quyết định đến Việt Nam.
Khi ấy, ở Điện Phước đang thiếu thốn nhiều thứ, chỉ có một ngồi trường bé nhỏ, trang thiết bị hầu như không có. Cha mẹ Junko – ông bà Horotaro TaKahashi đã đầu tư 100.000 USD (tương đương 1 tỷ đồng) xây một ngôi trường 8 phòng, một nhà thi đấu, một công trình vệ sinh.
Ngày 4/9/1995, ngôi trường hoàn thành và đưa vào sử dụng. Để ghi ơn người con gái Nhật Bản, ngôi trường cũ Hoàng Hoa Thám được đổi tên thành Trường Tiểu học Junko. Năm học 1995-1996, trường khai giảng năm học đầu tiên với 950 học sinh.
Trước cái chết của Junko, một nhóm sinh viên Trường Đại học Minh Trị Thiên Hoàng, nơi Junko học tập đã thành lập Hiệp hội Junko. Hội đứng ra quyên góp tiền của, vật dụng để đầu tư vào ngôi trường mà ông bà Horotaro xây dựng. Hiệp hội Junko năm nào cũng trao tặng hàng trăm suất học bổng cho trẻ em nghèo vượt khó của tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng.
Đến năm 2000, những người bạn của bố mẹ Junko tiếp tục quyên góp, xây thêm 5 phòng học trên tầng lầu… Từ đó đến nay, hằng năm ông bà Horotaro và sinh viên Hiệp hội Junko đều sang thăm trường từ 1-2 lần.
Ngôi trường được xây dựng bằng sự thiện tâm và tình nhân ái của Junko, của bố mẹ, bạn bè và người thân của cô, cùng những giáo sư và sinh viên Trường Đại học Minh Trị Thiên Hoàng, đã tồn tại trên đất Quảng Nam gần 20 năm qua là một câu chuyện đẹp về lòng trắc ẩn của con người.
Chúng ta có thể không cùng ngôn ngữ, không cùng văn hoá, dân tộc; nhưng trái tim thiện lương thì chắc chắn luôn cùng chung nhịp đập.
Trần Phong (ST)
Theo dkn.tv