rong lịch sử Việt Nam, vua Lê Tương Dực ban đầu được ngợi ca là “thông minh xứng đáng bậc chí tôn, sáng suốt làm gương cả nước” (Đại Việt sử ký toàn thư). Nhưng về sau, vua đắm chìm trong nữ sắc, ăn chơi truỵ lạc, cuối cùng mất ngôi, chết ở tuổi 21. Hậu thế chỉ còn nhớ đến Tương Dực Đế với cái tên “Vua Lợn”.
Sắc dục là mối hoạ loạn của bậc đế vương, là “mê hồn hương” làm hao phí sinh mệnh, tổn hại phúc đức và vấy bẩn tâm hồn. Ngược lại, giảm thiểu sắc dục là bí quyết dưỡng sinh, dưỡng đức, dưỡng tâm mà cổ nhân truyền lại cho hậu thế.
1. Dưỡng sinh
Thời nhà Tống có Bao Hoành Trai thân thể cường tráng, tinh lực hơn người, năm ông 85 tuổi còn được bái làm tể tướng. Quyền thần Giả Tự Đạo cho rằng ông ắt hẳn có diệu thuật dưỡng sinh nào đó, bèn tới thỉnh giáo ông. Bao Hoành Trai nói rằng: “Tôi có một bài thuốc hoàn tử, là bài thuốc bí truyền không truyền ra ngoài”.
Giả Tự Đạo nóng lòng hỏi là thuốc hoàn tử gì, Bao Hoành Trai thong dong nói rằng: “Là do ta may mắn uống viên ngủ một mình đã 50 năm rồi!” Những người ngồi tại đó lúc bấy giờ đều cười sảng khoái.
Sắc dục quá độ khiến người ta hao tổn tinh huyết, tinh thần mệt mỏi. Kiêng kỵ sắc dục tạo thành thói quen sinh hoạt lành mạnh, có tác dụng rất tốt với việc dưỡng sinh. Khổng Tử nói: “Thời niên thiếu khí huyết chưa đầy đủ, nên cấm kị nữ sắc”. Trương Tam Phong – ông tổ của Thái Cực – cũng từng khuyên Minh Thành Tổ: “Tịnh tâm ít dục sẽ trường sinh”.
2. Dưỡng đức
Địch Nhân Kiệt là một danh tướng triều Đường. Thời Địch Nhân Kiệt còn trẻ, phong thái tao nhã quý phái, mặt mũi thanh tú, tướng mạo khôi ngô. Trên đường đi thi, ông thuê một căn phòng nhỏ. Đêm khuya tĩnh lặng, ông chong đèn đọc sách, đột nhiên một thiếu phụ kiều diễm bước vào phòng. Hóa ra là con dâu chủ nhà trọ, nàng mới kết hôn không lâu nhưng chồng nàng đã qua đời, ban ngày gặp Địch Nhân Kiệt tuấn tú phi phàm, xuân tình thức dậy khó kiềm chế bản thân, nàng đợi đến canh thâu mượn cớ xin lửa tới dẫn dụ Địch Nhân Kiệt.
Địch Nhân Kiệt dù biết được nguyên do nàng tới, nhưng vẫn không hề động tâm, còn rất thiện ý mà rằng: “Thấy nàng kiều diễm mỹ lệ rung động lòng người, khiến ta nhớ tới lời của lão hòa thượng”. Cô gái hiếu kỳ dò hỏi xem đó là lời nói gì, Địch Nhân Kiệt mượn cớ đó mà dẫn dắt nàng rằng:
“Trước khi đến Kinh thành, ta tá túc trong chùa đọc sách, lão hòa thượng trong chùa nhìn tướng mạo của ta, mà cảnh báo ta rằng: ‘Tướng mạo thí chủ đường bệ, tương lai ắt có tin vinh hiển phú quý. Nhưng phải nhớ kỹ, nhất thiết không được tham sắc phạm dâm, bằng không tiền đồ sẽ bị hủy hết’. Ta nói: ‘Mỹ nữ xinh đẹp ai ai cũng thích, làm thế nào mới có thể ước chế loại dục niệm này?’
Lão hòa thượng dạy ta rằng: ‘Khi thí chủ gặp giai nhân diễm lệ, dục niệm nổi lên, nếu coi giai nhân đó như hồ ly tinh hút máu người, như độc xà quỷ quái; coi diện mạo thanh tú diễm lệ của nàng như kẻ ốm nặng vàng vọt, xấu xí, tựa như mặt quỷ vậy, hình dung làn da, ánh mắt mê hồn của nàng như người sắp chết, mặt mũi tái mét, xám xịt, mặt rỗ tổ ong; hình dung dáng vẻ yểu điệu của nàng như máu mủ hôi tanh, lở loét thối rữa, vô số ruồi nhặng bâu đầy, khiến người ta phải bịt mũi bước đi; chỉ cần giao hợp với cô ấy, thí chủ không chỉ bị hút hết tinh huyết, tinh khí khô kiệt, mà bách bệnh thâm nhập, bản thân phải chịu đựng nỗi dày vò của ma bệnh. Nếu có thể hình dung như vậy, niệm dâm lửa dục sẽ lắng lại như tảng băng lạnh vậy’.
Lời dạy bảo của lão hòa thượng ta vẫn luôn ghi nhớ trong tâm. Cho nên vừa rồi mới thấy dung nhan, dáng vẻ diễm lệ khiến người ta động lòng của nàng, chính là lúc lửa dục vọng của ta nổi lên, thì lời của lão hòa thượng lập tức vang vọng bên tai. Ngọn lửa dục vọng đang hừng hực lập tức tắt ngấm. Nàng có thể gìn giữ thủ tiết, cũng rất khó nhưng đáng quý, đừng nên vì cảm xúc nhất thời mà bại hoại danh tiết của nàng. Hơn nữa trên nàng còn có phụ mẫu đã cao tuổi, dưới còn cậu con trai nhỏ tuổi, đều cần nàng đảm đương chăm sóc. Nếu ta và nàng gian dâm, mà nàng đi theo ta, phụ mẫu và con trai nàng sẽ mất đi chỗ dựa.
Đức hạnh thủ tiết của người phụ nữ thời xưa luôn được người đời ca tụng, như Hàn Cửu Anh, do sợ gặp phải kẻ hiếu sắc sàm sỡ gian dâm mà dùng dao cắt mũi mình; lại như phu nhân của Cao Trung Cử gặp phải quỷ sắc dục, đã dùng cán gương đâm mù hai mắt, hủy hoại dung nhan nhằm bảo toàn trinh tiết. Còn có rất nhiều tiết phụ vì giữ gìn trinh tiết mà có người thì nhảy xuống giếng tự tử, có người dùng dầu nóng tự hủy hoại dung nhan, dùng mọi cách để chắc chắn có thể bảo toàn sự trong sạch của mình”.
Người thiếu phụ nghe xong lời của Địch Nhân Kiệt thì nước mắt tuôn rơi, cảm tạ mà rằng: “Cảm tạ đại đức của ân công, ngài không chỉ giúp ta giữ gìn trinh tiết, lại còn dạy ta cách kiềm chế dục vọng. Từ nay về sau ta nhất định lòng như nước phẳng lặng, thanh khiết như nước, như ngọc, kiên trì thủ tiết, để đền đáp lời giáo huấn hôm nay của ân công”. Sau đó cảm tạ ông vài lần mới cáo từ.
Cổ nhân tin rằng “Có đức mặc sức mà ăn”, coi đạo đức là cội nguồn của mọi điều tốt đẹp trong cuộc đời con người, như thân thể an khang, công thành danh toại, gia đạo yên vui, cửa nhà sung túc. Thế nên, các bậc cổ Thánh tiên Hiền đều khuyên con người dưỡng đức, tích đức. Mà trong số các hành vi tổn đức, thì dâm dục đứng đầu. Bởi thế, để dưỡng Đức không gì bằng tránh xa dâm dục.
3. Dưỡng tâm
Trong “Duyệt Vi Thảo Đường Bút ký” của quan đại thần, học giả Kỷ Hiểu Lam thời nhà Thanh có một câu chuyện như sau:
Có một tăng nhân người Chiết Giang lập chí tinh tấn tu hành, ông thề không sợ gian nan khốn khổ, nhất định phải tu thành chính quả. Ông trước nay không hề nằm xuống ngủ, mà đều ngồi trên ghế dài chợp mắt một lúc, sau khi tỉnh dậy lại tiếp tục khổ tu.
Một đêm nọ, có một cô gái diễm lệ tới bên vị tăng nhân Chiết Giang. Vị tăng nhân biết rằng đó là quỷ, liền nhắm mắt đả tọa, không nghe không nhìn những trò trêu ghẹo của ả. Cô nàng xinh đẹp đã giở mọi thủ đoạn quyến rũ nhằm mê hoặc vị tăng nhân, nhưng tâm vị tăng nhân rất chính, cô gái xinh đẹp cuối cùng cũng không thể lại gần chiếc ghế dài. Sau đó đêm nào cô gái xinh đẹp cũng đến, dù cho cô ả có giở thủ đoạn gì, trước sau gì cũng không thể khiến vị tăng nhân động lòng.
Cô gái xinh đẹp không còn cách nào, đành đứng ở một nơi cách vị tăng nhân rất xa mà rằng: “Định lực của huynh cao như vậy, ta quả thực nên đoạn tuyệt với những vọng niệm. Huynh đã ở cảnh giới của bậc thiên nhân Đao Lợi Thiên, biết rằng gần ta nhất định sẽ bại hoại Đạo, cho nên nhìn ta như hổ sói. Nếu huynh nỗ lực đạt được cảnh giới Phi Phi Tưởng Thiên, vậy thì dù cho da thịt có chạm vào người, huynh cũng sẽ không có cảm giác, như ôm tuyết lạnh vậy. Nhìn thấy dáng vẻ quyến rũ như nhìn thấy cát bụi, sẽ không vì sắc mà động lòng. Nếu tu đến cảnh giới Tứ Thiền Thiên, vậy thì dù hoa có tự soi mình vào trong gương, gương cũng không biết đến hoa, trăng tự in mình xuống nước, nước cũng không biết tới trăng, đã thoát khỏi sắc. Còn đến cảnh giới của chư vị Bồ Tát thì hoa đã không còn là hoa, gương cũng không còn là gương nữa, trăng không còn là trăng nữa, nước không còn là nước nữa, chính là vô sắc, rời xa hay không là do tự thần thông của mình, không thể tưởng tượng được. Nếu huynh dám để ta lại gần, mà thực không dao động, vậy thì ta sẽ nhất tâm quy y như Ma Đăng Già Nữ, không đến quấy rầy A Nan nữa”.
Vị tăng nhân Chiết Giang nghĩ rằng đạo lực của mình đủ để thắng tà ma, nên thản nhiên đồng ý. Kết quả là cô gái xinh đẹp có thể lại gần ôm ấp vuốt ve, cuối cùng đã hủy đi giới thể của vị tăng nhân. Vị tăng nhân hối hận đã muộn, vô cùng thất vọng mà chết đi.
Trong văn hoá truyền thống, cả Phật gia và Đạo gia đều cho rằng mọi hoạ phúc của con người khởi nguồn từ cái Tâm. Đặc biệt là những người tu luyện, điều họ giữ gìn, bảo trì không phải là danh tiếng hay tài lộc trong thế gian con người, mà chính là Đạo Tâm thuần khiết. Nếu cái Tâm này bị sắc dục ô nhiễm, thì công lao tu hành đã đổ sông đổ biển rồi. Vậy nên có câu: “Thà khuấy động nước nghìn sông, chứ không được làm động lòng người tu Đạo!”
Thanh Ngọc
(Tham khảo: Minh Huệ Net)
Theo dkn.tv