Phật Pháp từ hàng nghìn năm nay vẫn luôn dẫn dắt con người theo con đường hướng Thiện, thực hành tu tâm dưỡng tính, từ đó giúp níu giữ đạo đức nhân loại. Nhưng sự trượt xa khỏi đại Đạo của một bộ phận Phật giáo đã và đang làm suy yếu niềm tin vào những giáo lý tốt đẹp, vốn có thể giúp đạo đức xã hội thăng hoa.
Sự phá hoại từ bên trong là sự phá hoại nguy hiểm nhất. Những người khoác áo Phật gia nhưng không chân tu đã làm diện mạo Phật Pháp bị hoen ố, khó lý giải và trở thành dị đoan trong mắt người đời. Tín ngưỡng luôn là sợi dây giúp phân rõ lằn ranh tốt xấu trong hành xử đạo đức của con người. Vì vậy, khiến con người mất niềm tin vào tín ngưỡng, cũng chính là đẩy họ trượt nhanh hơn vào sự sa đọa đạo đức vì không có gì câu thúc. Đó là tội ác, cũng là sự phá hủy con đường mà Phật Đà lưu lại cho thế nhân. Đáng buồn thay, chính một bộ phận những người tu hành nhưng không có chân tín, chân tâm đang làm điều này tốt hơn cả những người luôn hoài nghi và đả kích.
Nhìn nhận vấn đề cần có sự hiểu biết và trên những góc nhìn khác nhau, để không dễ dàng quy chụp và đánh đồng tốt xấu. Đó cũng chính là tâm từ bi mà Phật Pháp hưỡng dẫn con người. Với những câu chuyện buồn đang ảnh hưởng lớn tới xã hội của giới tu hành giả hiệu, chỉ mong thế nhân sáng mắt, sáng lòng. Giữa cái chân và cái giả, thật ra đâu có khó phân biệt. Đôi khi chỉ cần dựa vào việc cái nào thật sự thúc đẩy những giá trị tốt đẹp của Đức Nhân mà thôi.
Dự ngôn của Đức Phật
Khi Đức Phật Thích Ca tại thế đã xác định rõ với A-Nan rằng: “Nay Chánh Pháp duy trụ 500 năm”. Trong đoạn mười bảy “phân Diêm Phù đề phẩm” của quyển thứ 55 “Nguyệt Tạng Phân” của “Đại Tập Kinh”, sau khi giảng về thời kỳ “cháy rực xán lạn trên đời… bởi vì Pháp của ta vẫn còn giải thoát kiên cố”, Phật Thích Ca có giảng tiếp về 2.000 năm sau đó:
“… Sau 500 năm, Chánh Pháp của ta, Thiền Định, Tam Muội được kiên cố vững chắc. Kế 500 năm, đọc tụng, nghe nhiều được kiên cố vững chắc. Kế 500 năm, ở trong Pháp ta xây nhiều Tháp Tự được kiên cố vững chắc. Kế 500 năm, ở trong Pháp ta, tranh giành, tranh luận, ca tụng, “Pháp rõ ràng” đã ẩn kín không còn, tổn giảm kiên cố. Này những bậc thông hiểu thanh tịnh! Cứ thế về sau, ở trong Pháp ta, tuy cạo đi tóc râu, mặc lên áo cà sa, huỷ phá Giới cấm, hành xử không như Pháp, là Tì Kheo giả” – (dẫn từ zhengjian.org).
Như vậy, Phật Thích Ca đã dự báo sau khi trải qua năm cái 500 năm, cũng chính là sau 2.500 năm, cũng chính là thời điểm hiện tại, khi mà các tăng nhân trong Pháp của Ngài, tuy cạo trừ râu tóc, thân mặc cà sa, nhưng họ “phá hủy giới cấm, hành không như Pháp”, đều đã là những ‘Tì Kheo giả’”.
Trong tác phẩm kinh điển của Phật gia “Phật thuyết pháp diệt tẫn kinh” (còn gọi là “Pháp diệt tận kinh”) được cho là đã được dịch ra vào thời Lưu Tống (420 – 479) có ghi lại những dự đoán của Đức Phật Thích Ca về quá trình tiêu vong của Phật Pháp. Trong đó có nói, vào thời Pháp diệt tận, “Ma tác sa môn hoại loạn ngô đạo”, tức là ma quỷ chuyển thế xuất gia đến chùa tu hành, phá hoại Pháp của Ngài. Chùa chiền thành nơi của con buôn, chúng sinh chỉ tham tiền tài vật chất, tích lũy để giàu có, không tu cho có phúc đức chân chính. Đến thời đại này, chúng sinh trở thành nô lệ cho danh lợi, lại xuống tóc đi tu trở thành sư hoặc ni cô, không những vô đạo đức mà còn dâm dục phóng túng, hành vi hỗn loạn bẩn thỉu. Có kẻ trở thành thầy tu nhưng không thể giữ được giới luật, tuy bề ngoài vẫn tụng niệm giới luật nhưng trong lòng chán ngán, buông thả, cơ bản là không muốn nghe Phật Pháp, hoặc lược bớt nội dung, không dám nói hết. Thêm nữa họ không thể học thuộc kinh điển, cho dù thỉnh thoảng có người đọc được nhưng lại không thể hiểu chữ nghĩa và câu cú, lại tự cao tự đại, ham danh tiếng mà làm ra những trò hư ngụy, cố ra vẻ tao nhã, tự cho mình vinh quang, hy vọng người khác đến phụng dưỡng mình.
Đem so với những điều được viết ra cách đây 2.000 năm, và những lời được cho là của Đức Phật nói cách đây 2.500 năm, biết bao điều đã và đang thành sự thật:
Chính Pháp hướng Thiện, nguỵ tôn giáo kích động dục vọng
Trong Phật giáo nguyên thủy không hề có những điều như dâng sao, giải hạn, giải oan. Ai tu hành theo Phật Pháp đều biết tới Nhân quả báo ứng, nhưng biết là để không sân hận khi gặp bất bình, ủy khuất khi gặp bất trắc, không làm điều xấu để phải nhận kết quả đối ứng trong tương lai. Nghiệp chỉ có thể hóa giải bởi sự chuyển hóa của Đức, tích Đức chính là làm điều tốt, chịu khổ mà không oán trách, nào có thể chỉ bằng một chút lễ lạt, vài lời niệm chú. Kỳ lạ thay, những “chủ nợ” từ những kiếp trước đến đòi nợ người ta lại sẵn sàng đánh đổi bằng tiền bạc ở cõi này. Ở nơi nào đó, những sinh mệnh bị hại, chịu đau khổ vì tội của người bị đòi nợ, lại có thể dùng tiền, vốn chỉ là tờ giấy ở cõi này để hóa giải ân oán?
Luật nhân quả không chỉ giải thích nguồn gốc những đau khổ của con người, mà quan trọng là sau đó khiến con người ta có câu thúc về đạo đức mà không làm việc gây tổn hại tới lợi ích của người khác.
Ngược lại, việc cúng sao, giải hạn, cúng giải oan lại đưa ra cho con người một cách trốn tội cho những việc xấu mà họ đã vô tình hoặc cố ý làm ra. Nghĩa là dù gây ra bao nhiêu tội ác đi nữa, chỉ cần cúng lễ, trả tiền, thuê thầy khấn vái là thoát tội, không còn lo sợ báo ứng nữa, cũng là vì đã “đền đáp” xứng đáng cho “vong” rồi.
Chỉ riêng điều này đã đủ để chúng ta phân biệt đâu là chân Pháp, chính Đạo. Bởi tất cả những chính tín dựa trên chính Pháp đều hướng con người tới sự Thiện lương, tới sự hoàn thiện của đạo Nhân Nghĩa.
Bất kỳ nguyên lý nguỵ tôn giáo nào kích động, tháo xích cho dục vọng, khiến người ta tham lam, cúng bái cầu tiền tài danh vọng và sẵn sàng làm điều gì cốt là tốt cho mình mà không cần nghĩ tới người khác, thì đó liệu có phải là chính Đạo không?
Người tu hành lại chẳng tu khẩu
Kinh ngạc bao nhiêu từ sự chính xác trong dự ngôn của Phật Thích Ca, thì chúng ta càng lo lắng bấy nhiêu. Tất cả đã trở thành sự thật. Chùa chiền biến thành nơi của kẻ buôn bán đầu cơ, chúng sinh tham tiền tài vật chất không tu đức chân chính. Tăng ni trong chùa đã có những kẻ vô đạo mà còn dâm dục phóng túng. Lại cũng có người trở thành thầy tu mà không chân tu, nhưng tự cao tự đại, hám danh tiếng mà làm ra những trò hư nguỵ. Giữa các Pháp môn khác nhau cũng có đấu đá, nói xấu, đặt điều, thậm chí vu khống, giữa những môn phái cùng thuộc Phật giáo cũng chẳng tha. Đó là điều mà người tu luyện làm được sao?
Người tu hành chẳng phải phải tu khẩu. Không những chỉ tu khẩu mà còn phải tu từ thân, khẩu tới ý, nghĩa là ngay cả nghĩ điều xấu cho người khác cũng là không được. Vậy mà những vị trụ trì danh tiếng, có chức sắc trong cả giới tu luyện và giới công chức lại công nhiên đăng đàn, quay phim phát tán rộng rãi những bài diễn thuyết xuyên tạc, hãm hãi những chính tín khác. Hoặc giải thích một cách chắc chắn về tội lỗi của người khác, bất chấp có thể gây ra tổn thương tới tình cảm của những người thân nạn nhân. Người tu Thiện, sao có thể ăn nói bất cẩn, coi nhẹ cảm xúc của người khác đến vậy. Hơn nữa, người tu luyện chân chính chẳng phải luôn khiêm nhường vì biết điều mình biết chỉ là rất nhỏ bé so với sự thật hay sao.
Đức Phật năm xưa, trong khi truyền Pháp vẫn tiếp tục khai ngộ nên luôn nhắc đệ tử của mình rằng “Pháp vô định Pháp”, trước khi niết bàn cũng dặn lại rằng “ta đời này chưa có giảng Pháp nào hết”. Có lẽ bởi Ngài liên tục khai ngộ, ngộ ra những Pháp lý mới, gần sự thật của vũ trụ hơn so với Pháp cũ mà Ngài đã giảng trước đó. Vì không muốn các đệ tử sau này phụ thuộc hoàn toàn vào Pháp mình giảng, mà phải thực tu, liên tục đề cao và liên tục khai ngộ, nên Đức Phật đã nói mình chưa có giảng Pháp nào hết. Pháp trong tiếng Hán là luật, là luật của vũ trụ, là chân lý, là sự thật, mà chân lý thì rộng lớn vô biên, ai dám khẳng định mình đã biết hết? Người chân tu vì thế sẽ luôn khiêm nhường và coi trọng tu khẩu.
Phật Đà là phiên âm từ chữ “buddha” trong tiếng Phạn, nghĩa là tỉnh thức, giác ngộ, hoặc người tỉnh thức, người giác ngộ. Nghĩa là Phật chính là người thông qua tu hành mà thấu triệt được những kiến thức uyên bác, rộng lớn và chân thật về vạn sự vạn vật, nào có phải là một ông làm phép thuật, hù doạ người khác để họ sợ hãi và tin theo một cách mù quáng. Người càng hiểu biết thì càng cẩn trọng lời nói. Thuyết pháp dựa trên sự bất Chân (bẻ cong giáo lý của Phật Pháp nguyên thuỷ), bất Thiện (nói xấu người khác, không chân trọng cảm xúc của người khác), và bất Nhẫn (đỗ lỗi, quy chụp lại người khác khi bị công kích) thì đó có phải là người chân tu không?
Chân, giả vốn không dễ phân biệt, nhưng lại có cách rất đơn giản để phân biệt. Chỉ có dựa vào việc nó có mang lại lợi ích cho đạo đức con người và xã hội hay không để phán đoán là chính xác hơn cả.
Thuần Dương
Theo dkn.tv