Người biết nói chuyện sẽ khiến lòng người ấm áp. Họ biết lắng nghe, biết thấu hiểu và tôn trọng. Trong sự ấm áp này chúng ta lại một lần nữa nhớ lại những tháng ngày khó quên trong kiếp nhân sinh của mình, lại một lần nữa trải nghiệm sự cảm động trong cõi đời.
Ứng dụng đọc báo hay trên điện thoại:
Câu chuyện kén chồng gian nan của cô cháu gái
Cháu gái tôi năm nay đã 28 tuổi nhưng vẫn độc thân, cũng chưa tìm được ý trung nhân. Mọi người trong gia đình rất lo lắng, đã nhiều lần đánh tiếng làm mai mối cho cháu, nhưng cô cháu gái vẫn chưa chịu gật đầu với bất kỳ chàng trai nào.
Người nhà không sao hiểu nổi: Những chàng trai được giới thiệu đều có điều kiện rất tốt, khuôn mặt ưa nhìn, dáng vẻ đường hoàng, học vấn lại cao, kinh tế cũng khá giả. Ấy vậy mà sao chẳng ai lọt vào mắt xanh của cô nàng?
Cháu gái tôi chỉ trả lời một câu rất đơn giản: “Chúng cháu nói chuyện không hợp”.
Ví như cháu gái tôi thích nghe chuyện giải trí thì cậu A lại cứ nhất quyết bàn luận về những lĩnh vực chính trị, quân sự, thể thao mà không chịu đổi chủ đề. Kết quả là cháu gái tôi suýt chút nữa thì ngủ mất. Hay khi con bé muốn nghe về những câu chuyện ly kỳ trong cuộc sống thì cậu B lại bắt đầu thao thao bất tuyệt về triết học. Cậu còn lên giọng phê phán những người trẻ hiện nay quá nông cạn, phải biết suy ngẫm để trở nên sâu sắc hơn, thâm trầm hơn một chút.
Cháu gái nói với tôi rằng, chuyện trò hợp gu là một điều rất quan trọng. Nếu trước khi kết hôn mà không có được tiếng nói chung thì chắc chắn sau này sẽ càng khó trò chuyện hơn.
Cuộc hôn nhân hạnh phúc là sự kết hợp giữa hai nửa ý hợp tâm đầu
Chúng ta thường nói: Kết hôn phải tìm được người tâm đầu ý hợp. Những người nói chuyện hợp nhau thì tất nhiên sẽ có sự nhất trí cao về thế giới quan, nhân sinh quan và giá trị quan. Chỉ khi đó họ mới có thể yên lặng lắng nghe bạn nói xong, giúp cảm xúc của bạn được giải tỏa, nhờ vậy bạn mới không bị chìm đắm trong thế giới của riêng mình mà không thể tự thoát ra được. Họ luôn để tâm tới cảm nhận của bạn, mới có thể đồng cảm cùng khóc cùng cười với bạn. Trong nhiều cuộc hôn nhân nước chảy thành dòng, chỉ có những cuộc trò chuyện và chia sẻ hết lần này tới lần khác mới có thể tăng thêm sự đồng cảm và tín nhiệm lẫn nhau, mới có được tình yêu và sự thấu hiểu giữa hai trái tim hòa cùng nhịp đập.
Nhưng người không biết chuyện trò thường dồn cuộc nói chuyện tới ngõ cụt, khiến đôi bên không thể giao tiếp với nhau. Khả năng ảnh hưởng tới cảm xúc người khác của một cá nhân, hay còn gọi là “giá trị cảm xúc”, chỉ có được thông qua giao tiếp. Khi hai người hoàn toàn không thể chia sẻ với nhau thì cũng sẽ khó có thể nói về giá trị cảm xúc được. Chỉ có những người giỏi chuyện trò mới có thể phát huy một cách đầy đủ tác dụng của giá trị cảm xúc, từ đó kết nối thế giới tâm hồn của hai người với nhau.
Hai người bạn thân và hai sự trải nghiệm – Ai mới thực sự là bạn tri âm?
Tôi có hai cậu bạn khá tuyệt là Trương Hòa và Triệu Khang, quen nhau khi còn học đại học. Sau khi tốt nghiệp cả ba người lại làm cùng một công ty nên rất thân thiết. Chúng tôi thường xuyên đi ăn và trò chuyện cùng nhau.
Một lần nọ mẹ tôi ốm nặng phải nằm viện, thời gian đó tôi bận tới tối tăm mặt mũi, tâm sức kiệt quệ. Buổi trưa khi ăn cơm tâm sự với hai cậu bạn thân về việc này, Trương Hòa và Triệu Khang đều bày tỏ sự quan tâm đối với tôi, và an ủi rằng mẹ tôi sẽ nhanh khỏe thôi, bảo tôi đừng quá lo lắng mà ảnh hưởng tới tinh thần.
Ngày hôm sau khi hết giờ làm chúng tôi cùng xuống tầng dưới. Trương Hòa cầm di động, cười nghiêng ngả và kể chuyện cười cho tôi nghe, nhưng lúc này tôi không sao cười nổi. Triệu Khang ở bên cạnh nhìn cậu ấy, vẻ lúng túng. Khi ra khỏi tòa nhà, Triệu Khang kéo tôi ra một bên nói: “Tôi biết là mấy hôm nay tâm trạng của cậu không tốt, vừa rồi Trương Hòa không cố ý đâu, cậu đừng để bụng”. Nói xong Triệu Khang đưa cho tôi một cái túi, bảo rằng đây là thuốc cậu ấy nhờ người khác mua, rất có ích cho bệnh của mẹ tôi.
Lúc đó tôi không hề trách câu chuyện cười không đúng lúc của Trương Hòa, đây là quyền lợi và sự tự do của cậu ấy. Nhưng tôi lại thấy Triệu Khang mới là người thực sự thấu hiểu tôi, là người bạn cả đời của tôi. Bởi lẽ khi chia sẻ với tôi cậu ta rất nghiêm túc và để tâm lắng nghe những gì tôi nói.
Có lẽ bạn sẽ phát hiện ra rằng, chúng ta có thể nói chuyện với rất nhiều người nhưng lại không thể tâm sự với nhiều người. Những cuộc đàm đạo xã giao khá dễ dàng, mọi người đều biết đối phương đang nói gì, và cũng biết nên trả lời như thế nào để tránh bị thất lễ. Nhưng chẳng bao lâu thì cuộc trò chuyện như vậy sớm bị mọi người lãng quên, họ cũng không để tâm nghĩ tới những gì cần nói. Nói một cách khác, chuyện trò như vậy quả là vô tâm. Khi những cuộc nói chuyện vô tâm như thế này khiến người khác cảm thấy không phù hợp nữa thì họ sẽ yên lặng không nói gì cả.
Chúng ta đều hy vọng được đối xử thật dịu dàng, ấm áp
Không biết bạn đã bao giờ có cảm giác như thế này hay không: Vào một thời khắc nào đó, một suy nghĩ đột nhiên lóe lên trong đầu, sau đó bạn rất muốn tìm ai đó để nhanh chóng dốc bầu tâm sự?
Đây chính là mong muốn được biểu đạt và mong muốn thổ lộ lòng mình. Hóa ra ngoài vật chất và dục vọng ra, chúng ta còn có cả nhu cầu nói chuyện và chia sẻ. Lúc này nếu có thể tìm được ai đó dốc cạn bầu tâm sự với họ, có thể nói ra hết những lời muốn nói, thì họ sẽ cảm thấy rất dễ chịu.
Nhiều khi chúng ta tâm sự hoàn toàn không phải vì muốn tìm kiếm lợi ích thiết thực hay sự trợ giúp, mà chỉ cần một lời an ủi và cộng hưởng về tinh thần. Trong những câu chuyện của chúng ta, có cảm thụ, có quan điểm, có trải nghiệm về kiếp người của bản thân mình. Điều chúng ta hy vọng ở người nghe không nhất định là sẽ tán đồng nhưng chí ít sẽ tôn trọng, không nhất định sẽ ủng hộ nhưng chí ít là thấu hiểu, không nhất định sẽ giúp đỡ nhưng ít nhất cũng nghĩ tới những gì bạn quan tâm và có sự đồng cảm. Dường như trong cuộc chia sẻ và tâm sự này, một lần nữa ta lại nhìn thấy bản thân mình ngược theo năm tháng. Chúng ta đều hy vọng được đối xử thật dịu dàng, ấm áp.
Một người biết nói chuyện giống như một ly trà thanh mát sau buổi chiều tan ca, như một bầu trời ánh sáng, một mảnh đất yên bình. Họ sẽ chuyên tâm lắng nghe đến khi bạn nói hết. Dẫu không trả lời một câu nào, nhưng chỉ cần một ánh mắt của họ, bạn cũng biết họ đều đã hiểu cảm nhận của bạn. Sau đó họ sẽ tâm sự cùng bạn về dư vị trong những trải nghiệm, cùng cảm nhận sự ấm áp của những tháng ngày dần trôi.
Một người biết nói chuyện là người ấm áp nhất. Họ biết lắng nghe, thấu hiểu và tôn trọng. Trong sự ấm áp này chúng ta lại một lần nữa nhớ lại những tháng ngày khó quên trong kiếp nhân sinh của mình, lại một lần nữa trải nghiệm sự cảm động trong cõi đời.
Theo Soundofhope/dkn.tv
Minh Nguyệt biên dịch