Sai lầm lớn của đời người là sống với cái tôi quá lớn

Nhiều người thường nhầm lẫn giữa sự tự tin và tự ái, tự trọng lớn và cái tôi lớn. Thực chất, cái tôi lớn chỉ khiến cuộc sống của chúng ta tăng thêm sự tham, sân, si mà thôi.

Cái “Tôi” tồn tại trong mỗi người theo lẽ tự nhiên

Con người ngay từ khi sinh ra đời đã tồn tại cái “Tôi” riêng biệt, không ai giống ai, điều đó hoàn toàn theo lẽ tự nhiên. Từ đó hình thành cá tính, đặc trưng khác nhau dù có cùng sống trong một hoàn cảnh, môi trường, xã hội.

Về phương diện triết học, cái “Tôi” hay bản ngã là phạm trù phản ánh cái riêng có được của trung tâm tinh thần một con người. Được hiểu là cái tôi ý thức hay đơn giản là cái tôi bao hàm trong đó những đặc tính để phân biệt tôi với những cá nhân khác. Hiểu được giá trị thật về cái tôi của mình người ta có thể là chính mình và sống thật với mình hơn.

Bản thân mỗi người sẽ không bị môi trường xung quanh chi phối cách nhìn về cái tôi của họ, không mặc cảm tự ti cũng như không dễ bị tổn thương hay chạm tự ái. Ngược lại, nếu không hiểu nó, sống bằng cái “Tôi” quá lớn, chuyển thành sự đố kị, tự mỗi người sẽ làm mình buồn khổ.

Cái tôi quá lớn tự mình làm mình khổ đau

Những khổ đau bất an trong cuộc đời mỗi người đa phần xuất phát từ cái tôi thái quá . Người có cái tôi quá lớn, là người luôn xem mình là nhất không chịu thua kém bất cứ ai, bất cứ việc gì và xem thường suy nghĩ, lời nói của người khác không cần biết điều mình làm đúng hay sai cứ tự hào một cách vô ý thức,… Chính cái tôi đó sẽ biến họ thành người láo toét, hống hách, coi khinh người khác,…

Và có một điều rất quan trọng trong cái tôi cao đó là chúng ta coi trọng giá trị bản thân mình hơn giá trị của người khác. Bạn nghĩ rằng, khi bạn ăn mặc lịch sự bước vào những nhà hàng sang trọng, làm việc trong một công ty danh tiếng, chuyên nghiệp là bạn hơn một người nào đó, làm công việc chân tay, bốc vác ở vỉa hè? Nếu có suy nghĩ vậy thì tất cả mọi thứ bạn đang có đều là vô giá trị. Bởi mỗi con người ở cuộc sống này, đều có một vị trí để sống. Vị trí nào cũng cần thiết, quan trọng và có giá trị riêng.

Cái tôi có thể được kiểm soát

Tập bớt nói chuyện với trí não

Hãy làm sao để tâm trí ta được lặng yên. Chỉ nghĩ về mình khi nào cần giải quyết cái gì có tính thực tiễn của cuộc sống mà thôi. Thiền được xem là phương pháp tốt nhất giúp bạn sẽ bình thản, chú ý và bằng lòng hơn.

Đừng tìm cách bảo vệ cái tôi

Khi gặp thất bại đừng… chửi mắng mình, khi người khác thất bại, đặc biệt người thân thì đừng công kích họ. Đừng mất thì giờ và sức lực đi bảo vệ hình ảnh cái tôi của mình. Khi bạn thấy mình có vẽ muốn bảo vệ cái tôi dữ quá thì hãy nhớ các hăm doạ cho cái tôi này thường không có thật, hãy tập trung giải quyết các tình huống cụ thể bên ngoài thì tốt hơn.

Đừng nuôi dưỡng cái tôi

Thật ra nếu bạn có tưởng tượng ra mục tiêu của đời mình là gì thì cũng được, nhưng coi chừng kiểu cố gắng như thế để biến tướng cuộc đờì bạn theo ý mình thì chỉ  làm cho cái tôi của bạn thêm lớn thôi.  Cứ chạy theo mục tiêu, đích nhắm trong cuộc đời có thể sẽ làm bạn thấy mục tiêu của cuộc đơì là phải hoàn tất cái gì đó trong tương lai, khiến bạn sẽ quên là cuộc đời duy nhất mà bạn đang có chính là cuộc đờì vào ngay lúc này chứ không phải của quá khứ và tương lai. Hãy nắm bắt cái hiện tại.

Đừng tin vào bất cứ cái gì bạn suy nghĩ

Cái cảm nhận của bạn về chính bạn và về thế giới thường được tựa vào cách thức rất hẹp hòi vị kỷ của bản thân. Hãy luôn tự nhủ là bản thân bạn  không phải lúc nào cũng nghĩ đúng về mình và về thế giới bên ngoài. Bởi vì chúng ta có cái tôi nên chúng ta có thể quyết định làm nhiều điều để cái tôi thôi không bao phủ quyền lực độc tài của nó lên cuộc đơì của chúng ta. Hãy làm sao mà cái tôi làm việc cho chúng ta, hơn là chống lại chúng ta.